Thống đốc NHNN: Vietcombank tái cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020
Sáng nay 12/1, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - VCB) tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018.
Liên quan đến hoạt động tái cơ cấu, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank cho biết, ngân hàng này đã được Thống đốc phê duyệt Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu vào ngày 8/1.
Theo đó, Vietcombank là ngân hàng đầu tiên trong hệ thống được phê duyệt đề án.
Thời gian qua, Vietcombank đã được NHNN giao tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng. Đề án này cũng đã được Thống đốc trình lên Thủ tướng. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của toàn ngành ngân hàng đầu tuần này, Vietcombank cũng đã có kiến nghị Đề án cần sớm được thông qua để việc tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng được thực hiện hiệu quả.
Cũng theo ông Nghiêm Xuân Thành, Thống đốc cũng đã phê duyệt quyết định cho phép Vietcombank phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Liên quan tới lộ trình thoái vốn tại các tổ chức tín dụng khác mà Vietcombank nắm giữ cổ phần, hiện ngân hàng đã thoái vốn đạt kết quả khả quan tại CFC, SGB và OCB; Tiếp tục thực hiện kế hoạch thoái vốn tại EIB, MBB. Ngoài ra, ngân hàng cũng thực hiện thành công phương án tăng vốn cấp II để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của NHNN và cải thiện khả năng đáp ứng tiêu chuẩn Basel II; được Chính phủ và NHNN phê chuẩn phương án tăng vốn cấp I với quy mô tương đương 10% vốn điều lệ.
Phát biểu tại hội nghị của Vietcombank, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng ghi nhận, đánh giá cao Vietcombank trong việc thực hiện tốt các nhiệm vụ đề ra, góp phần quan trọng thúc đẩy ngành ngân hàng đi lên trong năm qua.
Thống đốc cũng cho biết đây là một trong những ngân hàng đầu tiên được phê duyệt lại đề án tái cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020; Chủ động hỗ trợ Ngân hàng Nhà nước thực thi các biện pháp tái cơ cấu những ngân hàng còn đang yếu kém...
Về kết quả kinh doanh của Vietcombank, ông Phạm Quang Dũng - Tổng giám đốc cho biết: Năm 2017, Vietcombank đạt 11.018 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 32,9% so với năm 2016, thực hiện 116% kế hoạch 2017.
Dư nợ tín dụng của ngân hàng này đạt hơn 553.000 tỷ đồng, tăng 17,2% so với 2016, trong đó Vietcombank tăng trưởng tín dụng tốt ngay từ đầu năm, mở rộng mảng bán lẻ và thu hẹp các khách hàng vay không hiệu quả trong bán buôn.
Dư nợ cho vay khách hàng FDI đạt 39.692 tỷ đồng, tăng 27% so với 2016. Dư nợ xấu nội bảng là 6.170 tỷ đồng, giảm 705 tỷ đồng so với 2016 (giảm 10,3%).
Tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm là 1,11%, giảm 0,35 điểm % so với 2016.
Trong năm, ngân hàng đã trích hơn 6.187 tỷ đồng dự phòng rủi ro. Số dư quỹ dự phòng đến nay đạt gần 8.200 tỷ đồng (tương đương 132% tổng nợ xấu). Vietcombank cũng thu hồi được 2.180 tỷ đồng nợ ngoại bảng và là một trong những ngân hàng xử lý nợ xấu tại VAMC tốt nhất.
Cổ phiếu VCB tiếp tục có mức giá cao nhất ngành, liên tục nằm trong top 3 doanh nghiệp có mức vốn hóa lớn nhất thị trường.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
Mục tiêu xuất khẩu năm 2025 tăng 12% có khả thi?
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025
Đẩy mạnh dịch vụ logistics hàng không để phát triển du lịch Việt Nam
2 ngày tung một sản phẩm mới, Vinamilk tiên phong đưa chuẩn thế giới về Việt Nam