Thông tin mới nhất vụ đốt xe vì bị CSGT xử phạt
Lãnh đạo đội CSGT số 4 (Phòng PC67-Công an TP Hà Nội) xác nhận và cho biết sự việc người vi phạm đốt xe máy tại bốt CSGT xảy ra ở gầm cầu vượt trên đường Giải Phóng.
Theo đó, khoảng 16h50 chiều 2/8, tổ công tác của đội này đang làm nhiệm vụ ở khu vực trên thì phát hiện một người đàn ông tên LVQ (30 tuổi, trú tại Hà Nội) đi xe máy mang BKS tỉnh Hải Dương chở hàng cồng kềnh nên đã yêu cầu dừng xe để xử lý, theo tin tức trên báo Dân trí.
Khi dừng xe, người đàn ông này không xuất trình được giấy đăng ký xe và bằng lái. Trong khi đó hàng hóa trên xe chở rất cồng kềnh nên lực lượng CSGT đã tiến hành lập biên bản để tạm giữ phương tiện theo quy định.
Sau khi ký vào biên bản vi phạm, người đàn ông nói trên đã bỏ đi. Khoảng 30 phút sau, khi xe ô tô chuyên dụng của lực lượng CSGT đến chở xe vi phạm về trụ sở, người đàn ông nói trên xuất hiện trở lại và bất ngờ châm lửa đốt chiếc xe máy.
Theo cán bộ Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67) Hà Nội, đối với các trường hợp như trên, trước tiên CSGT sẽ sử dụng biện pháp nghiệp vụ để khống chế đối tượng đồng thời dập tắt đám cháy, sau đó bàn giao vụ việc cho công an phường sở tại giải quyết theo thẩm quyền.
Ngày 4/8, liên quan đến vụ việc, Trung tá Đỗ Xuân Trung, Trưởng Công an phường Phương Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội), cho biết sau khi lấy lời khai ban đầu, hiện hồ sơ đã được chuyển lên Công an quận Đống Đa tiếp tục xử lý theo thẩm quyền, báo Pháp luật TP. HCM đưa tin.
Đại úy Lê Đình Nam, Đội trưởng Đội CSGT trật tự, phản ứng nhanh (Công an huyện Chương Mỹ, Hà Nội), nhận định hành vi đốt xe nói trên có thể bị xử lý hình sự.
Cụ thể, cơ quan chức năng sẽ tiến hành định giá tài sản chiếc xe để xác định mức độ thiệt hại. Trường hợp đã bị lực lượng CSGT lập biên bản thì người đốt xe có thể phạm hai tội là gây rối trật tự công cộng và chống người thi hành công vụ.
Nếu chiếc xe không phải chính chủ thì người đốt xe còn có thể bị xử lý về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143 BLHS (khi tài sản bị hư hại được định giá có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên)
Theo LS Trần Tuấn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc đốt xe trước mặt CSGT sau khi có lệnh tạm giữ phương tiện đã có dấu hiệu của hành vi cản trở người thi hành công vụ theo Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt với mức phạt tiền từ 4 triệu đến 6 triệu đồng đối với cá nhân.
Ngoài việc bị phạt tiền, người thực hiện hành vi vi phạm nếu là người điều khiển phương tiện còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1-3 tháng.
Nếu việc đốt xe này nguy hiểm cho xã hội, có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử lý hình sự về tội chống người thi hành công vụ theo Điều 257 BLHS, hình phạt cao nhất có thể lên đến bảy năm tù.
End of content
Không có tin nào tiếp theo