Thông tin mới vụ cá lồng chết ở Lăng Cô
Báo Tài nguyên và Môi trường dẫn nguồn tin từ sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Thừa Thiên Huế vừa cho biết, đơn vị đã có văn bản gửi UBND tỉnh báo cáo kết quả kiểm tra...
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã phối hợp với Ban quản lý khu kinh tế công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế và UBND thị trấn Lăng Cô tiến hành làm việc với Ban quản lý dự án hầm đường bộ Hải Vân (đại diện chủ dự án- Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả) về công tác bảo vệ môi trường, chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại Dự án “Đầu tư mở rộng hầm đường bộ qua đèo Hải Vân-Quốc lộ 1, tỉnh Thừa Thiên Huế và TP. Đà Nẵng”, đồng thời tiến hành khảo sát thực địa, lấy mẫu, đo đạc các mẫu nước thải phát sinh khi thi công dự án, các mẫu nước trong đầm Lập An.
“Do hiện nay chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước đầm phá, Sở Tài nguyên và Môi trường tạm thời so sánh với QCVN 10-MT:2015/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển. Kết quả đo đạc và phân tích cho thấy, tất cả các mẫu nước có các thông số đo đạc chất lượng nước đầm Lập An đều nằm trong giá trị giới hạn của thông số chất lượng quy định”, Báo Tài nguyên và Môi trường dẫn báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết.
Ngoài ra, đối với kết quả chất lượng nước thải, tại bể thu gom trước khi xử lý và điểm thải ra môi trường của hệ thống xử lý nước thải khoan hầm các thông số được đo đạc đầu ra đều nằm trong giới hạn cho phép của cột B, QCVN 40-MT:2011/BTNMT- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.
Đối với chất lượng nước thải khu vực trạm trộn bê tông, Sở Tài nguyên và Môi trường đã lấy mẫu nước thải tại bể lọc xơ dừa và bể tuần hoàn cuối cùng của các bể nước thải tại trạm trộn bê tông. Kết quả đo đạc và phân tích cho thấy, các thông số được đo đạc đều nằm trong giới hạn cho phép của cột B, QCVN 40-MT:2011/BTNM. Riêng thông số pH đo đạc tại bể lọc xơ dừa và bể tuần hoàn cuối cùng có kết quả đo đạt lần lượt là 1,4 và 4,9 nằm ngoài giới hạn cho phép của cột B, QCVN 40-MT:2011/BTNMT.
Đoàn kiểm tra nhận xét, kết quả đo đạc, phân tích mẫu nước đầm Lập An tại thời điểm ngày 16/11/2017 không có hiện tượng bất thường và đạt giá trị giới hạn theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục quan trắc và có báo cáo tiếp theo.
Để đánh giá toàn bộ nguồn nước thải vào đầm Lập An, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì phối hợp với Ban quản lý khu kinh tế công nghiệp tỉnh, UBND huyện Phú Lộc rà soát các nguồn thải trong khu vực, đánh giá chất lượng nguồn xả thải.
Trước đó, theo báo Zing New, trong tháng 10, hiện tượng cá lồng của người dân chết bất thường xuất hiện trên diện rộng ở Thừa Thiên - Huế.
Ở xã Thủy Tân (thị xã Hương Thủy) có 330 lồng cá của 48 hộ nuôi bị chết với số lượng hơn 40 tấn, giá trị thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều hộ dân nuôi cá lồng trên sông Bồ (thị xã Hương Trà) cũng rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần vì cá nuôi chết hàng loạt.
Báo Thừa Thiên-Huế dẫn lời ông Dương Đăng Trung, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, từ đầu tháng 10, người dân có số lồng nuôi cá ven đầm Lăng Cô phản ánh tình trạng cá nổi lờ đờ, chết rải rác trong các lồng nuôi. Ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, chính quyền địa phương đã báo cáo với phòng TN&MT huyện để có phương án xử lý.
Chi cục Chăn nuôi thú y (Sở NN&PTNT), Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh (Sở TN&MT) đã có buổi kiểm tra hiện tượng cá chết và lấy mẫu nước, mẫu cá tại khu vực này xét nghiệm để tìm nguyên nhân. Theo ông Trung, hiện tượng cá chết năm nào ở đầm Lăng Cô cũng xảy ra, nguyên nhân thường do lượng mưa lớn, nước từ các suối, thác chảy xuống làm nước trong đầm “ngọt hóa”, dẫn đến cá bị thiếu oxy và chết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo