Thông tin về ông Truyền, ông Khánh... không liều được!
Tổng biên tập báo Người cao tuổi cho rằng: Người phóng viên có thể đôi khi cường điệu hóa sự việc, nhưng ở cương vị một ông Tổng biên tập thì không liều được.
Gần hai tháng trước, báo Người cao tuổi đăng bài viết liên quan đến khối tài sản “khủng” và việc bổ nhiệm “vội vàng” nhiều cán bộ trước lúc về hưu của ông Trần Văn Truyền, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ.
Bên cạnh đó, cũng chính tờ báo này mới đây tiếp tục đưa ra thông tin ông Ngô Văn Khánh, trước khi lên làm Phó Tổng Thanh tra Chính phủ có tài sản ra sao. Sự việc trên tiếp tục gây xôn xao dư luận. Tuy nhiên đến thời điểm này, vẫn chưa có kết luận cụ thể cho các phản ánh đó. Bởi vậy, điều khiến dư luận băn khoăn hơn cả là tính xác thực của vụ việc.
Chiều 4/3, trao đổi với PV báo Giáo dục Việt Nam, nhà báo Kim Quốc Hoa - Tổng biên tập báo Người cao tuổi khẳng định, Người cao tuổi phản ánh rất khách quan, không hề có thâm thù gì với ông Truyền, ông Khánh cũng như với Thanh tra Chính phủ.
Về khối tài sản liên quan đến ông Truyền, ông Kim Quốc Hoa cho biết, Người cao tuổi có bằng chứng rất rõ ràng đó là sổ đỏ (ông Hoa có cho PV xem bản photo) mảnh đất rộng hơn 16.000m2, bên trong có dinh thự cùng 6 căn nhà gỗ mà trước đó báo chí đã phản ánh. Tuy nhiên, ngôi nhà này đứng tên con trai ông Truyền - hiện đang làm trong ngành công an ở Bến Tre.
Trước câu hỏi của PV, từ đâu Người cao tuổi lại có được thông tin tài sản của ông Truyền và vì sao, báo lại tập trung vào ông Truyền mà không phải là một vị khác?
Ông Kim Quốc Hoa cho hay, “với mạng lưới hoạt động của phóng viên thì khó giấu được”.
Ông Hoa nói: “Phóng viên trong Nam hoạt động ở các tỉnh. Khi thấy có nhà cửa đồ sộ như vậy thì họ hỏi rồi được biết là của ông Trần Văn Truyền, cựu Tổng thanh tra Chính phủ. Chúng tôi bắt đầu từ đấy”.
TBT Người cao tuổi cho biết thêm, ngoài ông Truyền thì báo cũng tập trung phản ánh nhiều vấn đề liên quan đến Thanh tra Chính phủ và về tài sản kê khai của ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng thanh tra Chính phủ.
Lí do ông Hoa đưa ra, vì trước đó ông Khánh ký kết luận thanh tra lần 2 thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Khi đó ông Khánh đã cắt giảm 6.500 tỉ đồng.
Theo Người cao tuổi, “nội dung bản kết luận chính thức của ông Khánh đã bỏ đi gần 6.500 tỉ đồng được đánh giá là vi phạm cố ý, được tính toán khá bài bản để cho EVN bù được món thua lỗ hàng chục nghìn tỉ đồng tại trụ sở EVN, đồng thời làm cho các công ty thành viên thuộc EVN luôn trong tình trạng lỗ, là một nguyên nhân để tăng giá điện rất hợp lí mà khó phát hiện ra….”
“Thế tại sao ông Khánh làm thế? Từ việc đó khiến chúng tôi rất bức xúc. Và cũng thú thực, Người cao tuổi cũng nhận được nhiều đơn thư khiếu nại liên quan đến những việc làm “mập mờ” tại Thanh tra Chính phủ” – ông Hoa lí giải.
Ông nhấn mạnh, báo Người cao tuổi không hề có thâm thù gì với ông Truyền, ông Khánh và Thanh tra Chính phủ. Nói thêm về việc này ông Hoa cho hay, theo tinh thần nghị quyết Trung ương 3, Trung ương 5 về chống tham nhũng, Đảng ta khẳng định không loại trừ đối tượng nào. Và chức năng của báo chí là giám sát và phản biện xã hội.
“Anh nào làm sai, báo chí có quyền giám sát lại hành vi đó và phản biện lại những kết luận chưa hợp lí. Chứ chúng tôi không nhằm đánh đấm ai cả” - ông Hoa khẳng định.
Cũng trong cuộc trao đổi với PV báo Giáo dục Việt Nam, ông Hoa cho hay, tòa soạn cũng như cá nhân ông không nhận được bất kỳ một áp lực nào sau loạt bài viết liên quan đến ông Truyền và Thanh tra Chính phủ.
Trước băn khoăn của PV độ xác thực về thông tin liên quan đến việc kê khai tài sản của ông Ngô Văn Khánh, trước khi ông này lên làm Phó Tổng thanh tra Chính phủ, ông Hoa cho rằng, “ở người phóng viên có thể có khiếm khuyết, có cái liều hoặc đôi khi là cường điệu hóa sự việc. Thế nhưng, ở cương vị một ông Tổng biên tập thì không liều được”.
Theo Giáo dục Việt Nam
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo