Xã hội

Thủ đô “chuyển mình” tới tương lai

Hà Nội một mặt giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống ngàn năm văn hiến; mặt khác, phải “chuyển mình” để phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế

 Những vấn đề nội tại của thủ đô Hà Nội đã được đưa ra tại hội thảo khoa học “60 năm giải phóng thủ đô - Thành tựu, thời cơ, thách thức và phát triển” do Thành ủy, HĐND, UBND, MTTQ TP Hà Nội tổ chức ngày 3-10. Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh: “Đây là dịp để Hà Nội nhìn lại 60 năm xây dựng và phát triển, những bài học kinh nghiệm cũng như phương hướng phát triển của thủ đô trong giai đoạn tiếp theo”.

Chưa phát huy thế mạnh
 
TS Vũ Thúy Anh, Trưởng Phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội (Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội), cho rằng Hà Nội là một trong những địa phương luôn đi đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cả về số lượng dự án lẫn quy mô vốn đăng ký. Tuy nhiên, một trong những hạn chế lớn nhất của Hà Nội về khía cạnh kinh tế trong thời gian qua là hiệu quả đầu tư còn thấp, chỉ số hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR) chậm cải thiện. Ngoài ra, Hà Nội chưa phát huy được các lợi thế sẵn có về nguồn nhân lực, năng suất lao động thấp ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng kinh tế.
 
Một góc của Thủ đô Hà Nội Ảnh: HOÀNG HÀ
 
Theo TS Anh, giai đoạn 2001-2007, tỉ lệ đóng góp của yếu tố TFP (năng suất các nhân tố tổng hợp) vào tăng trưởng kinh tế Hà Nội ở mức khá cao nhưng giảm vào các năm gần đây. Điều đó cho thấy tăng trưởng của Hà Nội chủ yếu dựa vào tăng trưởng vốn đầu tư, chưa chú trọng đến các yếu tố tăng trưởng theo chiều sâu dựa vào cải thiện năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, áp dụng khoa học công nghệ và công tác quản lý hiện đại. “Tăng trưởng kinh tế Hà Nội thời gian qua chưa thực sự gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội hướng tới mục tiêu con người. Khoảng giãn cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo có xu hướng tăng lên, sự bất bình đẳng chung cũng gia tăng” - TS Anh nhận định.
 
Lý giải nguyên nhân, TS Vũ Thúy Anh cho rằng tư duy của lãnh đạo TP còn nặng về tăng trưởng kinh tế hay tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá, chưa xác định đúng tầm quan trọng cho việc đầu tư phát triển xã hội, phát triển con người. “Việc duy trì mô hình tăng trưởng dựa vào tài nguyên, vốn và lao động giá rẻ quá lâu, trong khi mô hình này đã trở nên lạc hậu, làm chậm đà tăng trưởng, không phát huy được thế mạnh của Hà Nội” - TS Anh đánh giá.
 
Cần đề ra các chuẩn mực cao hơn
 
PGS-TS Vũ Thị Vinh, Tổng Thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam, cho biết Hà Nội còn 1.100 chung cư cũ nhưng mới chỉ xây dựng, cải tạo được 14 chung cư cũ là quá khiêm tốn. Những chung cư cũ hầu hết nằm ở các quận nội thành, theo thời gian đã xuống cấp làm cho bộ mặt đô thị bị ảnh hưởng. Tình trạng “dùng dằng” đi hay ở của người dân, doanh nghiệp chưa mặn mà, thiếu các cơ chế, chính sách nhất quán chính là nguyên nhân tiến độ cải tạo chung cư cũ của TP bị chậm. Trong khi đó, nhiều người dân thờ ơ với nhà tái định cư, không thiết tha nhận nhà. Việc bố trí tái định cư xa nơi cư trú cũ còn khiến người dân không có việc làm, không nguồn thu nhập. Tất cả đã khiến chất lượng cuộc sống của người dân tái định cư thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung, nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh.
 
ThS Lê Thị Thu Hằng, Viện Sử học - Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, cho rằng quá trình đô thị hóa ở Hà Nội đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường các huyện ngoại thành. Sự phát triển của các làng nghề thiếu biện pháp xử lý chất thải, nước thải, hệ thống máy móc, thiết bị lạc hậu của các doanh nghiệp chưa được quan tâm đổi mới đã ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tại một số khu vực nông thôn, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước ngầm, nước sông do chất thải, bụi công nghiệp... “Một bộ phận không nhỏ người dân quanh những khu công nghiệp ở các huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Gia Lâm… luôn trong tình trạng đau đầu, ù tai, chóng mặt, mệt mỏi; một bộ phận khác thì bị thần kinh, đường ruột, da liễu…” - bà Hằng dẫn chứng.
 
Theo GS Nguyễn Mại, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ thông tin để công khai, minh bạch tất cả quy định liên quan đến quản lý đô thị là điều Hà Nội có thể thực hiện được. Từng người dân được tham gia vào quá trình hình thành văn bản và cảm nhận quyền lợi của họ đã được bảo đảm thì sẽ tự giác thực hiện, giám sát quá trình thực hiện. “Đáng tiếc Hà Nội đang có quá ít các văn bản đạt đến mức như vậy” - ông Mại nói và cho rằng đã đến lúc TP Hà Nội phải đề ra các chuẩn mực cao hơn về đạo đức công chức, năng lực chuyên môn, trình độ ngoại ngữ; có các quy định về tuyển lựa, sàng lọc, bồi dưỡng thường xuyên, đánh giá phẩm chất và năng lực công chức...
 
Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, thừa nhận đội ngũ cán bộ của TP mặt nào đó còn yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và là lực cản của Hà Nội trên con đường phát triển nên cần phải điều chỉnh. 
 
Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống
 

Theo PGS-TS Nguyễn Văn Nhật, nguyên Viện trưởng Viện Sử học, trải qua hàng ngàn năm lịch sử, người Hà Nội đã tạo cho mình một phẩm chất riêng: thanh lịch, văn minh. Hiện nay, người Hà Nội bao gồm các thành phần dân tộc, tôn giáo đến từ mọi miền đất nước, với đủ mọi trình độ, vị trí công việc. “Vì thế, người Hà Nội một mặt giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, mặt khác, phải “tự chuyển mình” để phù hợp với yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” - ông Nhật nói. 

NLĐ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo