Thủ đoạn tinh vi và hậu họa dùng xăng máy bay cho xe chạy dưới... mặt đất
Chuyện ăn trộm xăng máy bay ở Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất tuần qua gây rúng động dư luận, bởi sự tinh vi về thủ đoạn và sự táo tợn của những đối tượng gây án. Tuy nhiên, đối tượng lo lắng và bất an hơn cả chính là người tiêu dùng. Phương tiện giao thông của họ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu dùng phải loại xăng chuyên dụng cho máy bay pha chế với dầu DO.
Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (C45) Bộ Công an - nhận định: “Sự quản lý lỏng lẻo đã dẫn đến vụ trộm cắp kéo dài và xăng máy bay pha chế với dầu DO bán ra thị trường là loại xăng kém chất lượng, gây hỏng hóc cho xe cộ đường bộ…”. Đây là nhận định xác thực của thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến về đường dây trộm cắp xăng máy bay do chính 3 nhân viên Phòng kỹ thuật của Hãng hàng không Jetstar cấu kết với các đối tượng bên ngoài thực hiện. Đường dây trộm xăng máy bay này được Bộ Công an triệt phá vào chiều tối 28.1, bắt 7 đối tượng và triệu tập nhiều đối tượng khác để lấy lời khai.
Ngày 2.2, điều tra ban đầu của cơ quan công an cho thấy, 3 nhân viên lái xe của hãng máy bay Jetstar đã ăn cắp xăng máy bay, bán cho các đối tượng bên ngoài rồi pha chế với loại dầu DO bán ra thị trường. Lời khai gây rúng động ở chỗ, 2 năm qua, mỗi ngày có 600 - 900 lít xăng bị đánh cắp, như vậy đồng nghĩa với việc hàng trăm ngàn lít xăng kém chất lượng, gây thiệt hại cho các phương tiện giao thông được bán ra ngoài. Theo đó, 7 đối tượng bị bắt giữ gồm: Trần Văn Sửu (SN 1973, ngụ Q.7, TPHCM, là chủ kho chứa xăng máy bay trộm cắp và pha chế trái pháp luật), Huỳnh Đức Dũng (SN 1971, ngụ Q.3), Vũ Thế Hưng (SN 1967, ngụ Q.Tân Bình), Vũ Văn Dũng (SN 1968, quê Ninh Bình, tạm trú quận 12), Ngụy Như Thành (SN 1967, quê Nam định, tạm trú Q.Gò Vấp), Đỗ Văn Hưng (SN 1983, quê TP.Hà Nội, tạm trú Q.Tân Bình) và Lê Văn Hùng (SN 1981, ngụ Q.Tân Bình, TPHCM).
Theo cơ quan điều tra Bộ Công an, Thành, Hưng và Hùng - nhân viên lái xe của phòng kỹ thuật hãng hàng không Jetstar - đã câu kết với các đối tượng nêu trên, ăn cắp xăng Jet A1 - loại xăng đặc dụng chỉ dành cho máy bay, sau đó pha trộn với dầu DO để bán ra thị trường. Khi thu thập toàn bộ hoạt động của đường dây tội phạm này, Ban chuyên án do Bộ Công an thành lập đã huy động một lực lượng hùng hậu - gồm C45, các đơn vị của Công an TPHCM và Bộ Tư lệnh CSCĐ - tổ chức bắt quả tang và khám xét địa điểm đường dây này sang chiết, pha chế xăng dầu trái phép trên đường Đào Trí, quận 7 do Sửu cầm đầu và một điểm liên quan trong Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (nơi cất chứa xăng máy bay trộm cắp). Kết quả, công an thu giữ gần 8.000 lít xăng được băng nhóm này pha chế từ xăng Jet A1.
Tại cơ quan điều tra, băng nhóm này khai nhận, trong lúc máy bay của hãng Jetstar đỗ tại Sân bay Tân Sơn Nhất chờ chuyến tiếp theo, các nhân viên kỹ thuật hãng Jetstar thường tiến hành kiểm tra khối lượng, chất lượng xăng. Lợi dụng sự sơ hở của các cán bộ và nhân viên khác, Thành, Hưng và Hùng - là lái xe của phòng kỹ thuật - đã hút trộm xăng vào các thùng phuy (loại 200 lít/phuy) để sẵn trên xe. Sau đó, 3 lái xe của hãng hàng không này vận chuyển xăng hút trộm đến một điểm nằm trong sân bay, rồi cho vào các can nhựa chở sang kho chứa trên đường Đào Trí, Q.7. Tại kho chứa này, 2 năm qua, Trần Văn Sửu đã tổ chức pha chế, rồi giao cho đồng bọn bán ra thị trường, thu lợi bất chính với số tiền cực lớn. Lái xe Thành, Hưng và Hùng khai nhận, số xăng máy bay tính theo can nhựa (can 30 lít) và bán cho Sửu có giá 350.000 - 390.000 đồng/can.
Phía Sửu và đồng bọn khai nhận, sau khi mua xăng máy bay của nhóm lái xe hãng Jetstar, Sửu pha chế xăng máy bay với dầu DO, rồi bán ra khắp các tỉnh thành như TPHCM, Đồng Nai, Long An… Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục C45 - cho biết: “Các đối tượng trộm cắp, pha chế xăng Jet A1 với dầu DO không có giấy phép, không theo quy chuẩn chất lượng nào. Việc làm này không đảm bảo an toàn về cháy nổ, đồng thời gây ảnh hưởng, hỏng hóc máy móc cho các phương tiện giao thông sử dụng xăng dầu kém chất lượng. Hiện vụ án đang được C45 Bộ Công an tiếp tục mở rộng điều tra, truy xét”.
Ngay sau đó, qua theo dõi, vào lúc 23h45 khuya 29.1, Cơ quan An ninh hàng không Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất đã phục kích và bắt quả tang khi kíp trực của Vinapco điều xe tải bồn chứa xăng đặc dụng ra khu vực đậu đỗ máy bay để tiếp nhiên liệu, 2 nhân viên là Nguyễn Xuân Dương (SN 1977, lái xe của Vinapco) và Nguyễn Minh (SN 1978, nhân viên tra nạp Vinapco) đã di chuyển xe bồn ra phía gần hàng rào sân bay. Phía bên kia hàng rào sân bay, có sẵn một xe tải nhỏ của các đối tượng bên ngoài là lái xe tải Đặng Trần Thanh Phong (SN 1983) và Đỗ Thanh Tùng (SN 1990) được ngụy trang kín đáo, đỗ trong bóng tối chờ sẵn. Hai nhân viên Vinapco luồn đường ống dài khoảng 100m cho các đối tượng bên ngoài hút xăng đặc dụng dành riêng cho máy bay từ xe bồn ra xe tải bên ngoài. Ngay lúc này, lực lượng an ninh sân bay ập đến bắt quả tang.
Theo nguồn tin từ Cơ quan An ninh hàng không Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, cả 4 đối tượng bị bắt quả tang đã được bàn giao cho công an và Cục Hàng không Việt Nam để điều tra mở rộng. Được biết, Xí nghiệp xăng dầu hàng không miền Nam-Vinapco, có trụ sở ngay trong Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, là đơn vị cung cấp xăng dầu đặc chủng cho nhiều hãng máy bay tại Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất.
Qua 2 vụ bắt 2 băng nhóm trộm cắp xăng máy bay bán ra bên ngoài, một chuyên gia về hóa dầu nhận định, việc làm này gây ra hậu quả khôn lường đối với người tiêu dùng nếu đổ trúng xăng kém chất lượng. Loại xăng máy bay chỉ dành riêng cho động cơ phản lực là loại xăng đặc dụng, khi pha chế không theo một quy trình, chất lượng đảm bảo nào thì càng nguy hại cho động cơ nổ của các phương tiện giao thông như xe môtô, xe gắn máy, ôtô các loại… Không những gây hỏng hóc máy móc cho các phương tiện giao thông đường bộ mà không loại trừ khả năng các xe cộ bị cháy, nổ bất ngờ khi đang tham gia giao thông trong thời gian qua là do dùng trúng xăng dỏm, do chính những đường dây trộm cắp xăng máy bay này bán ra bên ngoài.
Theo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo