Thu hồi đất phải thông qua Hội đồng Nhân dân
Đây là một quy định mới được bổ sung trong dự thảo luật Đất đai sửa đổi được Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh tại buổi họp báo về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo luật Đất đai sửa đổi tại Bộ TN-MT ngày 28/2, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến cho biết, dự thảo luật lần này có nhiều điểm mới về vấn đề tài chính đất đai và giá đất.
Đối với phần giá đất thực hiện sửa đổi quy định về nguyên tắc định giá đất theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm Nhà nước thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, tính giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và tính các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của Luật Đất đai. Các thửa đất liền kề nhau có điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, kết cấu hạ tầng như nhau, có chung mục đích sử dụng cùng một thời điểm định giá thì có mức giá như nhau, đồng thời giao cho Chính phủ quy định cụ thể phương pháp xác định giá đất cho phù hợp với từng loại đất.
Vấn đề xây dựng khung giá đất đã được thống nhất quan điểm thiết kế định kỳ 5 năm/lần và sẽ được công bố vào ngày 1/1 của năm đầu kỳ. Khi giá đất tăng, giảm 20% so với khung giá đất, giá đất thuộc khu giáp ranh và thời gian tăng hoặc giảm liên tục từ 180 ngày trở lên, Chính phủ sẽ điều chỉnh khung giá đất.
Vấn đề đấu giá sử dụng đất, Dự thảo cũng bổ sung quy định Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với đất Nhà nước thu hồi do sắp xếp lại, xử lý trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà tài sản gắn liền với đất thuộc sở hữu Nhà nước….
Trả lời câu hỏi của báo chí về quan điểm xác định quyền sử dụng đất là một loại quyền tài sản, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển phân tích, quyền trao cho người sử dụng đất không phải quyền tài sản đầy đủ. Cho nên dự thảo luật sửa đổi lần này đã quy định rất cụ thể người sử dụng đất được làm gì đồng thời kèm những quy định về điều kiện để thực hiện quyền đó.
“Ở một số loại đất thì quyền này gần như tương đương với quyền sở hữu nhưng bên cạnh đó là phải kèm theo các điều kiện để thực hiện” – ông Hiển nêu ví dụ, đất nhà nước thực hiện chính sách giao cho đồng bào dân tộc thiểu số có kèm điều kiện 10 năm mới được chuyển nhượng, không thể xin cấp đất rồi đem bán.
Để khắc phục phục tình trạng thu hồi đất tùy tiện, tràn lan trong thời gian qua, ông Hiển cho biết, luật áp dụng cơ chế nhà nước thu hồi đất theo quy hoạch và đặc biệt sử dụng kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Trước đây, thẩm quyền quyết định việc này thuộc UBND, nay dự thảo luật quy định chặt chẽ hơn là phải thông qua HĐND, nhất là các dự án kinh tế.
Đây là một bước tiến trong tư duy làm luật khi đã đặt vấn đề giám sát của HĐND. Theo đó, nhu cầu sử dụng đất lập kế hoạch hàng năm và kế hoạch đó phải có cơ quan quyền lực là HĐND xem xét, tránh việc thu hồi tràn lan.
Ngoài ra còn có những điều kiện áp dụng với nhà đầu tư khi lập dự án sử dụng đất. Cụ thể, nhà đầu tư phải có năng lực tài chính (phải thông qua kiểm toán) và phải ký quỹ. Một điều kiện khác ràng buộc là các dự án trước đó của nhà đầu tư đã triển khai phải thực hiện đúng quy định pháp luật. Nếu có dự án trước đó chậm triển khai, bỏ hoang, nhà đầu tư sẽ không được giao dự án mới nữa.
Riêng đối với đất lúa, đất rừng, ông Hiển nhấn mạnh, cơ quan chức năng phải báo cáo Thủ tướng trước khi chấp nhận đầu tư. Nhà đầu tư phải có phương án bóc lớp đất mặt, phương án để nhà nước khai hoang phục hóa nơi khác để bù lại. Khi nhà đầu tư vào đó phải cân nhắc sử dụng đất lúa hay đất đồi, chi phí lớn quá thì anh sẽ không làm nữa.
Thứ trưởng cũng cho biết, để xử lý thực trạng hiện nay, Bộ TN-MT đã làm việc với các địa phương. Với dự án mới chỉ có chủ trương đầu tư thì rà soát, nếu thực sự không thể triển khai thì công bố hủy bỏ. Trường hợp dự án đã triển khai quá thời hạn thì phải thu hồi nếu không có lý do. TPHCM hiện đã đưa ra tiêu chí xác định. Hà Nội cũng đang xin ý kiến Bộ về các tiêu chí thu hồi.
Như Trâm
End of content
Không có tin nào tiếp theo