Thị trường

Thu hút NĐT ngoại mua nợ xấu: Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý

“Để thu hút nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài tiếp cận và mua nợ xấu, đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu của Việt Nam thì việc cần làm nhất bây giờ là sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, cần thiết phải có một đạo luật riêng về xử lý nợ xấu và một cơ chế thông thoáng hơn cho NĐT nước ngoài…” – TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

TS Nguyễn Trí Hiếu

NĐT ngoại đang thăm dò thị trường nợ xấu Việt Nam

 
PV: Ông có thể cho biết tình hình hiện tại việc mua bán nợ xấu ở Việt Nam?
 
TS Nguyễn Trí Hiếu: Hiện tại thì đã có một số ngân hàng rao bán nợ xấu trên phương tiện truyền thông, nhưng việc họ đàm phán với VAMC như thế nào thì chưa rõ kết quả. Cả NHNN và VAMC vẫn chưa đưa ra những thông tin về một giao dịch nào cụ thể.
 
PV: Một số quốc gia trên thế giới đã cho phép các NĐT nước ngoài mua nợ xấu. Theo ông, Việt Nam có nên áp dụng phương pháp này?
 
TS Nguyễn Trí Hiếu: Đó là xu thế tất yếu và Việt Nam cũng không đứng ngoài cuộc. Nhà đầu tư nước ngoài có thế mạnh về tiền, lại giàu kinh nghiệm và kỹ năng thẩm định tình trạng các món nợ và tài sản bảo đảm nếu họ thấy có lợi nhuận trong đó thì chắc chắn họ sẽ tham gia. Điều này sẽ giúp cho quá trình xử lý nợ xấu ở 4 mặt cơ bản: một là nguồn vốn; hai là tăng tính minh bạch cho việc mua bán nợ, vì rõ ràng là khi nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào, họ yêu cầu minh bạch rất cao; thứ ba là sẽ tạo ra thị trường mua bán nợ sôi động hơn và thanh khoản cao. Cuối cùng là chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản trị điều hành việc mua bán nợ và việc xử lý các món nợ sau khi đã mua.
 
PV: Theo ông, mức độ sẵn sàng của các công ty nước ngoài mua nợ xấu ở Việt Nam như thế nào?
 
TS Nguyễn Trí Hiếu: Hiện tại thì chưa có thông tin nào về NĐT nước ngoài đã sẵn sàng mua bán nợ xấu của Việt Nam. Hầu hết NĐT nước ngoài đều đang ở giai đoạn thăm dò, đồng thời chờ đợi xem VAMC tiến hành xử lý nợ xấu ra sao để có những bước tiếp theo. Nhưng theo đánh giá của tôi thì tới cuối năm thị trường này sẽ có những tín hiệu tích cực, mạnh mẽ hơn.
 
Cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý
 
PV:  Có thông tin cho rằng, Việt Nam đang thiếu hành lang pháp lý để các NĐT nước ngoài tiếp cận và mua nợ xấu. Việt Nam nên làm gì để thu hút các đối tác nước ngoài tham gia vào quá trình này, thưa ông?
 
TS Nguyễn Trí Hiếu: NĐT nước ngoài chưa thể tiếp cận vì vướng ở những cơ chế về sở hữu nhà cửa, sở hữu đất đai, về tỷ lệ góp vốn cổ phần đối với các DN nói chung và đối với các ngân hàng nói riêng…
 
Để NĐT nước ngoài bỏ tiền mua nợ, giúp chúng ta xử lý nợ xấu nhanh nhất thì có rất nhiều việc cần phải làm, đầu tiên là khung pháp lý, đến lúc nào đó để giải quyết vấn đề 1 cách rốt ráo, cần đạo luật riêng về việc xử lý nợ quốc gia và thủ tục phá sản trong quá trình xử lý nợ và một loại tòa án chuyên nghiệp, chứ không phải qua hệ thống tòa án thông thường xử những tranh chấp thương mại. Khi đó, việc xử lý nợ xấu, thanh toán tài sản bảo đảm sẽ được tiến hành một cách nhanh chóng.
 
Bên cạnh đó thì VAMC cũng cần được trang bị quyền lực lớn lao hơn, với một số quyết định trong trường hợp nào đó mang tính pháp lý, có giá trị pháp lý như phán quyết của tòa án. Chính vì vậy cần có quy định về luật pháp cho phép VAMC được làm điều đó.
 
PV: Nếu nhìn theo hướng tích cực thì việc cho NĐT nước ngoài vào Việt Nam sẽ giúp thị trường sôi động hơn, nhiều khó khăn tài chính của các DN Việt sẽ được tháo gỡ. Tuy nhiên, nhìn ở chiều ngược lại, khi các NĐT nước ngoài nắm được nhiều khoản nợ lớn của các DN, có nghĩa là họ cũng có nhiều ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam. Quan điểm của ông thế nào?
 
TS Nguyễn Trí Hiếu: Mặt được thì đã thấy rõ nhưng điều đáng quan tâm là khi NĐT ngoại tham gia vào việc mua bán nợ xấu của Việt Nam cũng sẽ gây ra một số hệ quả không tốt trong ngắn hạn.
 
Cụ thể, trong quá trình khảo sát nợ xấu, NĐT ngoại sẽ nhìn thấy những vướng mắc trong hệ thống ngân hàng, những sai phạm về pháp lý và  quy định tài chính, ngân hàng. Những đánh giá ấy có khả năng được đưa ra trên các phương tiện truyền thông của Việt Nam và thế giới, và điều này có thể có tác động không tốt về mặt tâm lý cũng như quyết định đầu tư của NĐT khác.
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi thì việc NĐT nước ngoài có những đánh giá đúng mực về nền kinh tế, ngân hàng có ẩn chứa mức độ rủi ro cũng có thể là điều cần thiết để chúng ta biết chúng ta được nhìn nhận thế nào trên thị trường thế giới.
 
Có những điểm trong lúc này là bất lợi, nhưng nói chung, những đánh giá tiêu cực có thể trở thành lợi điểm, để giúp chúng ta có những kế hoạch cải cách sâu rộng nền kinh tế và hệ thống tài chính ngân hàng. Xét về lâu dài, việc tham dự của các NĐT nước ngoài là cần thiết và hợp lý.
 
PV: Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, một trong những yếu tố để xử lý nợ xấu thành công là phải tạo lập được thị trường mua bán nợ xấu quốc tế. Theo ông, quy mô nợ xấu của Việt Nam đã đủ lớn để tạo lập thị trường này? Việc tổ chức sẽ như thế nào?
 
TS Nguyễn Trí Hiếu: Quy mô nợ xấu Việt Nam đã đủ để lập 1 thị trường mua bán quốc tế. Theo tôi, cơ quan đầu não chủ trì việc này nên là Ngân hàng Nhà nước. Trong đó có việc tổ chức một sàn giao dịch, qua đó các ngân hàng rao bán những khoản nợ mà họ muốn bán, không chỉ có nợ xấu mà cả nợ tốt.
 
Trên các thị trường mua bán nợ quốc tế không những nợ xấu mà cả nợ tốt cũng được giao dịch trao đổi. Khi có món nợ lớn vượt qua quy định an toàn vốn, vốn điều lệ không đủ để gánh, và các ngân hàng muốn chia sẻ rủi ro thì họ hoàn toàn có thể bán nợ đó cho một ngân hàng khác.
 
Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại thì nợ xấu Việt Nam đang ở mức trên 4%, nhưng để biết được con số thực tế thì cần có sự giám sát, thanh tra của Ngân hàng Nhà nước dựa vào những tiêu chí và việc phân loại nợ xấu rất chặt chẽ. Quy mô thị trường mua bán nợ tại Việt Nam sẽ tùy thuộc rất nhiều vào tính công khai và minh bạch của nợ xấu trong tương lai.
 
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
Đoàn Huế (Thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo