Thị trường

Thu lãi 300 triệu đồng/năm từ...vườn tiêu chết

Ông Nguyễn Tấn Dũng, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh (Gia Lai) đã nhanh nhạy thay vườn tiêu bệnh tật, chết trắng trụ ngày nào bằng hàng trăm gốc bơ. Đến nay, ông Nguyễn Tấn Dũng đã có lãi về hơn 300 triệu đồng/năm chỉ với hơn 400 gốc bơ cho thu bói. Đây được coi là 1 trong những mô hình chuyển đổi hiệu quả trong bối cảnh tiêu chết-mô hình làm giàu ở nông thôn...

Từng là “đại gia” hồ tiêu với hơn 4.000 trụ tiêu, thế nhưng chỉ sau 2 năm toàn bộ diện tích hồ tiêu của ông bỗng nhiên đổ bệnh rồi cứ thế chết dần. Không loay hoay khắc phục, cứu vớt những trụ tiêu còn lại, ông Dũng đã quyết định đào bỏ luôn 30% trụ tiêu còn sống, đưa cây bơ về trồng thử nghiệm. Sau 5 năm kiên trì chăm sóc, đến nay chỉ mới mùa thu bói đầu tiên ông đã “rủng rỉnh” đút túi hơn 300 triệu đồng.

Hơn 400 gốc bơ của ông Dũng đã phủ kín vườn tiêu chết ngày nào.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Dũng cho biết: “Trước đây, cả 2 vườn tôi đều trồng tiêu, hơn 4.000 trụ chứ ít đâu. Hồi đó, tiêu giá cao nên cứ thế mở rộng diện tích, ai ngờ sau đó tiêu cứ vậy rớt giá rồi còn chết đồng loạt nữa. Ban đầu cũng có ý định khôi phục, nhưng thấy tiêu cứ chết dần, chết mòn nên quyết định phá luôn 30% tiêu sống còn lại, mua hơn 400 gốc bơ về thử nghiệm. Cũng không phân tro, nước nôi gì nhiều mà mới mùa hái bói đầu tiên có cây đã cho thu về gần 2 tạ trái...”.

Ông Dũng bên cạnh cây bơ thường đã được ghép thành công với giống bơ Mỹ.

Dù chỉ mới thu bói năm đầu tiên, thế nhưng ông Dũng đã đút túi hơn 300 triệu đồng sau khi đã trừ tất cả chi phí vốn liếng, phân tro. “Thực ra, cây bơ trồng dễ hơn cây tiêu và cây cà phê, không mất nhiều công chăm sóc lại ít bệnh tật. Ba năm đầu cần tưới nước đầy đủ để bơ phát triển nhanh hơn, còn sau đó thì không cần thiết. Phân bón thì mấy năm nay tôi bón rất ít vì lượng phân cho cây tiêu vẫn còn trong đất nên bơ tự ăn lại thôi...”, ông Dũng chia sẻ.

Mới vụ cho thu bói đầu tiên nhưng vườn nhà ông Nguyễn Tấn Dũng có quả bơ đã nặng hơn 1kg.

Bên cạnh việc chăm sóc gần 400 gốc bơ thường, ông Dũng đang tiến hành đưa giống bơ Mỹ về cấy ghép trên thân cây bơ thường. Theo ông Dũng, nếu như cấy ghép giống bơ Mỹ lên bơ thường khoảng 6 tháng chăm sóc đã cho thu hoạch. Còn để trồng được một cây bơ từ nhỏ phải mất đến 4-5 năm mới cho thu quả.

Bên cạnh những cây bơ thường, ông Nguyễn Tấn Dũng đã cho xen canh những gốc bơ Mỹ.

“Để đảm bảo đầu ra ổn định, tôi không trồng một loại bơ duy nhất mà tiến hành trồng nhiều loại như bơ sáp, bơ booth, bơ Mỹ... Đặc biệt, loại bơ tôi đang ưa chuộng nhất là giống bơ Mỹ. Loại bơ này tuy số lượng không được nhiều như bơ sáp, nhưng chất lượng rất tốt, không chứa hàm lượng đường và rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện tôi đang tiến hành ghép giống bơ Mỹ lên cây bơ thường để nhanh cho thu hoạch hơn”, ông Dũng nhận định.


Dạo quanh vườn bơ, chúng tôi không nghĩ rằng đây là vườn tiêu chết ngày nào vì những bóng cây bơ nay đã phủ kín vườn không như những vườn khác còn bỏ hoang với những trụ tiêu chết. Theo như ông Dũng ước tính, nếu như mùa hái bói đầu tiên đã được hơn 10 tấn thì những năm sau đó năng suất sẽ vượt trội hơn. Đặc biệt, thời tiết năm 2017 vừa rồi khá thuận lợi nên tỷ lệ đậu quả cao hơn. “Năm nay lại là năm thu chính nên sẽ rơi vào khoảng từ 30-40 tấn. Hiện tại, bơ đầu mùa sẽ có giá 37.000 đồng/kg và bơ cuối mùa sẽ có giá khoảng 31.000 đồng/kg. Nếu như vẫn giữ giá này, dự tính năm nay sẽ thu về gần 1 tỷ”, ông Dũng cho biết thêm.

 


Ngoài việc trồng và chăm sóc hơn 400 gốc bơ, ông Dũng còn tiến hành mở thêm vườn ươm, cắt ghép những giống mới để có được những giống mới, nhanh thu hoạch. Hiện tại, vườn ươm của ông có gần 50.000 cây giống, trong đó nhiều nhất là bơ Mỹ với 25.000 gốc. Chia sẻ với Danviet về dự định sắp tới, ông Dũng cho biết tôi đang tiến hành trồng xen canh thêm cây sầu riêng và mở rộng thêm diện tích bơ Mỹ.

Nên đọc
Theo Dân Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo