Thu lợi từ ngách nhỏ
Ý định ban đầu của Lock&Lock (một thương hiệu đến từ Hàn Quốc) khi đầu tư nhà máy tại Việt Nam là nhằm xuất khẩu sang các thị trường khác. Tuy nhiên, khi nhận thấy sức tiêu thụ mạnh tại thị trường Việt Nam, hãng này đã chọn đầu tư cả nhà máy lẫn hệ thống phân phối tại chỗ. Nhờ hệ thống phân phối hiện đại được đầu tư hàng triệu USD với trên 300 kênh bán hàng bao gồm siêu thị, trung tâm thương mại, bán hàng qua truyền hình... Lock&Lock đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Phân khúc mà Lock&Lock lựa chọn là các sản phẩm hộp bảo quản thực phẩm, một thị trường được dự đoán sẽ gia tăng đáng kể khi mà người tiêu dùng đang có xu hướng chọn thực phẩm đóng gói sẵn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì thế, mặc dù phân khúc này chỉ là ngách rất nhỏ trong rất nhiều sản phẩm gia dụng nhưng doanh thu mà Lock&Lock đạt rất lớn.
Giữa lúc các doanh nghiệp nhựa trong nước đang khá vất vả cạnh tranh trên thị trường, sự bành trướng của Lock&Lock đã buộc các doanh nghiệp nhựa trong nước phải có sự thay đổi. Tuy nhiên, việc thay đổi không phải là điều dễ dàng. Mẫu mã cũ kỹ, lạc hậu, chi phí quảng bá, marketing thấp là những điểm yếu mà các doanh nghiệp nhựa trong nước bị Lock&Lock vượt qua. Hàng năm, Lock&Lock đầu tư hơn 5% trên tổng doanh thu toàn cầu cho nghiên cứu và phát triển nhằm phát triển nhiều dòng sản phẩm mới và tiện ích hơn. Theo đó, cứ một ngày sẽ có 2 sản phẩm của Lock&Lock được phát triển và đưa ra thị trường. Và từ sản phẩm hộp đựng thực phẩm, Lock&Lock đang mở rộng ra các mặt hàng nhựa khác như khay, bình nước...
Sự bành trướng của Lock&Lock tại Việt Nam trong thời gian ngắn cho thấy, dường như các doanh nghiệp nhựa trong nước đã bỏ qua một cơ hội lớn trong phân khúc thị trường nhựa gia dụng.
Hải Bình (Theo KTĐT)
End of content
Không có tin nào tiếp theo