Môi trường

Thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải

Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông tư liên tịch số 63/2013/TTLT-BTC-BTNMT hướng dẫn thực hiện Nghị định số 25/2013/NĐ-CP ngày 29/3/2013 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

(TTXVN) Theo đó, đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải là nước thải ra môi trường, gồm nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt.


Thông tư cũng nêu rõ, mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá bán của 1m3 nước sạch, nhưng tối đa không quá 10% của giá bán nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng. Đối với nước thải sinh hoạt thải ra từ các tổ chức, hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng, mức thu được xác định theo từng người sử dụng nước, căn cứ vào số lượng nước sử dụng bình quân của một người trong xã, phường, thị trấn nơi khai thác và giá bán 1m3 nước sạch trung bình tại xã, phường, thị trấn.

Đối với nước thải của cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến không thuộc Danh mục lĩnh vực, ngành sản xuất, chế biến có nước thải chứa kim loại nặng do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, phí bảo vệ môi trường được tính bằng tổng số phí cố định (1,5 triệu đồng/năm) và phí biến đổi. Phí biến đổi được tính theo tổng lượng nước thải ra; hàm lượng 2 chất gây ô nhiễm là nhu cầu ôxy hóa học (COD) và chất rắn lơ lửng (TSS). Cụ thể, đối với chất gây ô nhiễm tính phí COD là 1.000 đồng/kg và TSS là 1.200 đồng/kg.

Thông tư liên tịch nêu rõ, đối với nước thải sinh hoạt, để lại tối đa không quá 10% trên tổng số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt thu được cho đơn vị cung cấp nước sạch; tối đa không quá 15% trên tổng số phí thu được cho Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn để trang trải chi phí cho việc thu phí. Mức cụ thể do Hội đồng Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

Để lại 20% trên tổng số tiền phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp thu được cho Sở Tài nguyên và Môi trường và Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện để trang trải chi phí cho việc thu phí (điều tra, thống kê, rà soát, phân loại, cập nhật, quản lý đối tượng chịu phí), trang trải chi phí đo đạc, đánh giá, lấy mẫu, phân tích mẫu nước thải phục vụ cho việc thẩm định tờ khai phí, quản lý phí, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất đối với nước thải công nghiệp.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7 tới thay thế Thông tư liên tịch số 125/2003/TTLT-BTC-BTNMT ngày 18/12/2003 của liên Bộ Tài chính-Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị định số 67/2003/NĐ-CP của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, Thông tư liên tịch số 106/2007/TTLT-BTC-BTNMT ngày 6/9/2007 sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 125/2003/TTLT-BTC-BTNMT và Thông tư liên tịch số 107/2010/TTLT-BTC-BTNMT ngày 26/7/2010 sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 125/2003/TTLT-BTC-BTNMT và Thông tư liên tịch số 106/2007/TTLT-BTC-BTNMT./.
 
 
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo