Thu phí trước, điều chỉnh sau
Ông Trường cũng đề nghị các hiệp hội vận tải, địa phương tạm thời chưa kiến nghị những vấn đề mới, tránh những ý kiến trái chiều dẫn đến việc thực hiện lúng túng.
Còn nhiều trăn trở
Tại hội nghị, ông Bùi Danh Liên - chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội - ủng hộ chủ trương thu phí bảo trì đường bộ để nâng cao chất lượng đường sá. Tuy nhiên, ông Liên cho biết đã nhận được nhiều văn bản của các hiệp hội vận tải địa phương kiến nghị xem xét lại mức phí với rơmooc. Theo ông Liên, bối cảnh kinh tế khó khăn, những công ty có hàng loạt rơmooc thiết kế chở ôtô, nằm dài cả năm không chạy chuyến nào vì không có hàng hóa. Ông Liên đề nghị Bộ Tài chính, Bộ GTVT xem xét để có “bước lùi” thu phí lại một năm hoặc giảm mức thu phí khoảng 30% của rơmooc so với xe đầu kéo, vì phải có đầu kéo rơmooc mới chạy được.
Ông Liên cũng nêu thiếu sót về việc miễn thu phí xe máy đối với hộ nghèo. “Trong phụ lục thông tư 197 không có biên bản xác nhận miễn cho hộ nghèo. Nếu không có văn bản này thì ra đường xe máy sẽ bị phạt 800.000-1,2 triệu đồng vì chưa nộp phí bảo trì đường bộ. Vì vậy, Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương làm tem dán lên xe xác nhận xe của hộ nghèo. Thông tư quy định miễn phí thu xe máy của hộ nghèo nhưng mỗi hộ nghèo có 2-3 xe máy rẻ tiền thì có miễn toàn bộ hay chỉ một xe?” - ông Liên đặt câu hỏi.
Việc thu phí ôtô theo kỳ đăng kiểm 3 - 6 - 9 tháng và 1 năm cũng chưa phù hợp với tình hình doanh nghiệp vận tải đang gặp khó khăn hiện nay. “Nếu thu theo chu kỳ 3 hay 6 tháng mỗi xe đóng hơn 1 triệu đồng/tháng thì doanh nghiệp có hàng trăm xe sẽ rất khó khăn trong khi còn phải đóng các loại thuế khác. Đề nghị xem xét đối với xe kinh doanh vận tải nên cho áp dụng thu phí theo từng tháng để giảm áp lực đóng 3-6 tháng/lần” - ông Hoàng Văn Tản, phó tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng, kiến nghị.
Bên cạnh đó, ông Tản đề nghị Bộ GTVT công bố danh sách các trạm thu phí sẽ dừng hoạt động khi thực hiện quỹ bảo trì, giúp doanh nghiệp tránh bị động trong việc tính toán giá cước từng tuyến vận tải để ký hợp đồng với khách hàng khi năm 2013 đã cận kề. Đồng thời nên bỏ cả những trạm đã bán quyền thu phí để tránh phí chồng lên phí.
Ông Nguyễn Văn Thanh - phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - nêu những thắc mắc: “Xe không hoạt động vì thiếu hàng có được miễn phí không? Nếu xe không hoạt động mà gửi sổ đăng kiểm cho cơ quan đăng kiểm giữ thì có được giảm không?”.
Sau 3-6 tháng mới điều chỉnh phát sinh
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết do tình hình kinh tế khó khăn, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng cho lùi thời hạn thực hiện bảy tháng đến ngày 1-1-2013 mới thu, thay vì 1-6-2012. Việc lùi thời hạn đã thực hiện nên bây giờ phải chấp hành đúng quy định. “Còn trong quá trình thực hiện quỹ, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi trên tinh thần đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng kiến nghị với Chính phủ nếu điều chỉnh thì phải sau 3-6 tháng thực hiện thu quỹ để tổng hợp những bất cập, phát sinh. Trước mắt cứ thực hiện rồi điều chỉnh sau” - ông Trường cho biết.
Theo ông Trường, chi phí cho việc thu phí được quy định ở mức thấp nhất. Nếu thu theo tháng sẽ in thêm tem phiếu, chứng từ, chi phí tăng lên. “Quy định chỉ cho thời gian chậm nộp phí vài ba ngày, nếu quá 3-4 ngày không đóng phí CSGT sẽ phạt, lúc đó tiền phạt còn lớn hơn số tiền thu hằng tháng. Chu kỳ thu theo đăng kiểm 3, 6, 9 tháng và 1 năm là tương đối phù hợp để giảm chi phí in ấn, thời gian doanh nghiệp mang xe đến cơ quan đăng kiểm để nộp phí, dán tem. Còn trong trường hợp những doanh nghiệp có số lượng phương tiện lớn muốn đóng mỗi tháng một lần thì Hội đồng quỹ trung ương giao cơ quan đăng kiểm xem xét và đưa vào hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên, bên nào vi phạm sẽ chịu trách nhiệm”.
Ông Trường cho biết trước đây thu phí giao thông qua xăng dầu nhưng không thành công vì giá xăng dầu thay đổi liên tục. Thu qua xăng dầu nhiều khi hòa vào ngân sách nên tách ra dùng bảo trì đường bộ rất bị động. Thứ hai là không công bằng với các đối tượng sử dụng xăng dầu ngoài đường bộ khi 90% xăng dùng vào đường bộ nhưng dầu chỉ dùng 40% nên hoàn phí rất phức tạp.
Về số lượng trạm thu phí bị bãi bỏ, ông Trường cho biết chậm nhất ngày 25-12 sẽ có số lượng cụ thể và công bố công khai. Ngoài các trạm nộp ngân sách nhà nước dừng thu, hiện có năm trạm bán quyền thu phí theo hình thức đấu giá để lấy tiền đầu tư hạ tầng giao thông. Trong đó trạm Bãi Cháy đến tháng 6-2015 sẽ kết thúc hợp đồng, bốn trạm còn lại kết thúc trong năm 2013 và 2014. “Số tiền bán trạm đã sử dụng trước để sửa chữa đường bộ nên giờ tiếp tục thu để bù lại số tiền đó. Nếu dừng thu sẽ mất cân đối nguồn tổng thể trong quỹ bảo trì. Chúng tôi đã xin ý kiến Chính phủ, Bộ Tài chính dừng thu khi hết hợp đồng” - ông Trường lý giải.
Ông Trường đề nghị lãnh đạo các sở GTVT dự hội nghị báo cáo với lãnh đạo tỉnh để lập hội đồng quỹ ở địa phương, tuyên truyền cho người dân rõ chủ trương. “Xe máy trước đây thu qua trạm thu phí nhưng gây ách tắc giao thông và Chính phủ đã bỏ thu. Lần này thu lại để nâng chất lượng các tuyến đường địa phương. Hiện cả nước có 35 triệu xe nên có khoản thu không nhỏ cho duy tu bảo dưỡng đường địa phương” - ông Trường cho biết.
Hồng Lĩnh (Theo Tuổi Trẻ)
End of content
Không có tin nào tiếp theo