Xã hội

Thu phí xe máy: Chọn 40 người thu hay 40 triệu người đi nộp?

"Nếu thu qua xăng dầu chỉ cần 40 người, thu qua các cây xăng sẽ cần 400 người, nhưng nếu thu theo đầu phương tiện thì 40 triệu người sẽ phải đi nộp".

Còn rất nhiều vướng mắc

 

Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 16, HĐND khóa VIII khai mạc ngày 9/12, UBND TP.HCM đã trình Đề án thu phí sử dụng dịch vụ đường bộ đối với xe máy trên địa bàn TP. Tuy nhiên trong phiên thảo luận tổ diễn ra vào chiều cùng ngày đã có những ý kiến không đồng tình với việc này.
 
 
Việc thu phí xe máy tại TP.HCM đang gặp phải những ý kiến trái chiều.
 
Theo đó đại biểu Lâm Thiếu Quân lập luận việc thu phí như các tỉnh đang làm là rất tốn kém và không hiệu quả. Thực tế việc thu phí tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng chỉ đạt 30 – 50 %.
 
Ông cho rằng nếu thu qua xăng dầu chỉ cần 40 người, thu qua các cây xăng sẽ cần 400 người, nhưng nếu thu theo đầu phương tiện thì 40 triệu người sẽ phải đi nộp. “Với TP.HCM còn phải đối mặt với lượng xe không chính chủ quá lớn, trong khi đó chưa có chế tài xử phạt nên dễ tạo sự bất công giữa người nộp và không nộp” – ông Quân nói.
 
Cùng có thắc mắc với đề án này, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch HĐND TP cho biết sẽ “có tác hại rất lớn” nếu để xảy ra tiêu cực, thiếu công bằng. Sau đó, trong phần kết buổi thảo luận bà đã thẳng thắn cho biết: “Luật là phải thực hiện, tuy nhiên làm mà dở nhiều hơn hay, thấy dở mà vẫn làm thì càng dở”.
Trong khi đó ông Nguyễn Hữu Tín – Phó chủ tịch UBND TP (phụ trách mảng giao thông, đô thị) cho biết dù bản thân cũng còn rất nhiều băn khoăn về quá trình thực hiện đề án, tuy nhiên TP.HCM đã bị nêu đích danh là địa phương chậm thực hiện thu phí đã 2 năm, dù nơi này cũng đã gửi văn bản báo cáo Chính phủ tới 3 lần.
 
Ngập là do mưa, do triều cường... và do ta!
 
Cũng trong khuôn khổ phiên thảo luận, các đại biểu đã đưa vấn đề ngập và chống ngập lên bàn nghị sự. Theo đó, đại biểu Huỳnh Thanh Nhân khẳng định chống ngập chưa hiệu quả, chưa khoa học. Không những thế TP đã chọn cách chống ngập làm nảy sinh rất nhiều bất cập là nâng cao mặt đường.
 
Do đó đường không còn ngập nhưng nước lại di chuyển vào nhà dân, bởi lúc này nền nhà đã thấp hơn mặt đường. “Mình được lợi cho mình nhưng đẩy cái khó, cái khổ cho dân”– ông Nhân nói.
 
 
Năm nay một số khu vực tại TP.HCM phải chịu ngập kéo dài ngay cả khi trời không mưa.
 
Trong khi đó đại biểu Hà Phước Thắng đề nghị trong báo cáo của UBND cần có những địa chỉ cụ thể về điểm ngập, những điểm nào đã khắc phục, điểm nào chưa khắc phục, điểm nào mới phát sinh, sau đó đưa vào chỉ tiêu giảm ngập năm 2015.      
 
Giải thích cho vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm chống ngập TPHCM cho rằng thời gian vừa qua các tuyến đường TP đã được đầu tư lớn về quy mô để chống ngập nhưng do đỉnh triều ngày một cao nên một phần diện tích của TP vẫn còn ngập (do thấp hơn mực nước triều).
 
“Bổ sung” cho phần trả lời của ông Dũng, ông Nguyễn Thành Chung – Giám đốc Sở GTVT cho rằng TP đang tồn tại hai dạng ngập là ngập do triều và ngập do mưa. Trong đó ông Chung nhấn mạnh đến việc triều cường lên quá nhanh, hiên nay mức cao nhất đã lên tới 1,7m.
 
Sau khi nghe giám đốc Sở GTVT giải thích, Phó chủ tịch UBND Nguyễn Hữu Tín đã “đề nghị Giám đốc Sở nói thêm nguyên nhân ngập do ta”.
 
 
Theo tờ trình, đối tượng thu phí sẽ bao gồm xe mô tô 2 bánh, xe gắn máy (không bao gồm xe máy điện) được đăng ký tại TP.HCM hoặc xe đăng ký biển số tại địa phương khác nhưng hoạt động và có nhu cầu nộp phí tại TP.HCM. Trường hợp các phương tiện nói trên đăng ký tại TP.HCM nhưng đã nộp phí tại địa phương khác thì sẽ không phải nộp phí tại TP.HCM tương ứng với thời gian đã nộp phí.
 
Tờ trình cũng cho biết nếu đề án được thông qua thì việc thu phí sẽ bắt đầu từ 1/1/2015. UBND cũng kiến nghị HĐND không truy thu phí đối với xe mô tô trong các năm 2013, 2014.
Theo Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo