Thu tiền tỷ nhờ trồng bưởi đỏ trên đồi
Là dân chuyên buôn trái cây nên chị Đỗ Thị Hương Giang quê Hòa Bình nhận thấy, bưởi được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Sau một thời gian tìm hiểu, chị quyết định lấn sân sang trồng trọt.
“Trong một lần được người quen cho ăn giống bưởi, bổ ra thấy ruột màu đỏ mà lại có vị ngọt đậm đà, tôi liền nảy ra ý định trồng. Sau quá trình khảo sát tôi thấy đây là giống cây cho năng suất cao mà không tốn nhiều công sức chăm bón nên quyết định đầu tư. Thay vì trồng ở đồng bằng thì tôi đem chúng lên đồi”, chị Giang chia sẻ.
Thời gian đầu, khi mang giống cây này lên đồi chị Giang thấy chúng phát triển khá chậm, còi cọc nhưng sang năm thứ hai trở đi đã bắt đầu phát triển nhanh và sau 5 năm cho trái. Tới nay chị đã nhân rộng lên 7ha bưởi, mỗi ha khoảng 200 cây, mỗi cây cho sản lượng 1,5-2 tạ. Hiện chị bán cho thương lái với giá 25.000 -38.000 đồng một trái nặng 800gram-1kg (tùy loại). Ngoài ra, sản phẩm của chị cũng đã được vào hệ thống siêu thị Vinmart miền Bắc. Với sản lượng tốt, mỗi năm chị Giang thu về vài tỷ đồng nhờ bưởi đỏ.
“2016 là vụ bói đầu tiên nên quả chưa nhiều, nhưng đến năm nay thì trái sum suê. Vì là sản phẩm sạch, lại trồng trên đồi có vị lạ nên thương lái khá ưa chuộng. Dự kiến, hai năm thu hoạch là tôi có thể thu hồi vốn”, chị Giang cho biết. Ngoài ra, chị cũng đang hợp tác với người dân và anh em trong gia đình trồng khoảng 40ha.
Chia sẻ về khó khăn, chị Giang cho biết, vì trồng trên đồi nên việc chăm bón khá khó khăn. Bưởi là cây phải có nước tưới đều đặn nên chị phải khơi nước từ dưới suối lên cho cây, đồng thời xây dựng hệ thống tưới tiêu khép kín nhằm cung cấp nước và chất dinh dưỡng được đều đặn. Để cây có phân bón, chị nuôi vài trăm con lợn lấy chất thải. Phân của chúng được di chuyển xuống hầm biogas, vừa có khí để đốt vừa có nước thải tưới cây. Ngoài ra, đến mùa mưa, cỏ mọc xanh tốt, xuất hiện khá nhiều ốc vỏ mỏng. Nếu để chúng bò lên cây sẽ khiến cây bị sâu bệnh, không đậu quả nên chị nuôi vài trăm con vịt, thả vào đồi để bắt ốc thay vì phải dùng thuốc trừ sâu. Hết mùa chị lại đem vịt về bán hoặc thịt.
“Từ năm ngoái cho đến năm nay giá heo hơi rớt mạnh. Dù nuôi hàng trăm con phải chịu lỗ nhưng tôi vẫn bám trụ. Bởi, mục đích quan trọng hơn là có phân để bón cho cây trồng”, chị nói và cho biết, hiện toàn bộ phân bón tại đồi bưởi nhà chị đa phần là phân hữu cơ và phân chuồng. Để sản phẩm không bị ngọt khé mà lưu trữ được lâu, chị Giang loại bỏ kali khỏi danh mục phân bón cho cây vì loại phân này khiến múi bưởi mềm và nhanh nát, khó bảo quản được lâu. Trong khi đó, thương lái và siêu thị cần hàng để được thời gian dài. Đa phần bưởi này bảo quản được trong một tháng, trái càng héo sẽ càng ngọt.
Chị Giang cho biết, đang mang sản phẩm vào miền Nam để chào hàng các hệ thống siêu thị tại đây và tìm đường xuất khẩu.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng
Quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2024 ước đạt 36 tỷ USD