Thủ tướng "chưa có ý kiến" về siêu sự án thép Cà Ná của Hoa Sen
Theo đó, trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận liên quan đến dự án Khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná, Thủ tướng Chính phủ kết luận “chưa có ý kiến về dự án này”, dự án đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cụ thể về tình hình, khả năng dư thừa thép của thế giới và thị trường Việt Nam. Giao Bộ Công Thương cùng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá công nghệ, thiết bị của nhà máy đảm bảo chắc chắn không gây ô nhiễm môi trường.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với tỉnh đánh giá tác động môi trường kỹ lưỡng, thận trọng, quy định chế tài nghiêm khắc nhất để bảo vệ môi trường. Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định chính thức về vấn đề này trên cơ sở xem xét cụ thể các báo cáo trên.
Thông báo kết luận cũng nêu rõ, trong những tháng đầu năm 2016, mặc dù trong điều kiện khó khăn chung và hạn hán kéo dài ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân, nhưng kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Thuận vẫn duy trì ổn định, một số chỉ tiêu đạt khá và tăng so với cùng kỳ năm 2015. Tổng sản phẩm nội tỉnh tăng 5%; giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng 84,4%; thu ngân sách nhà nước (nội địa) tăng 4%; các chính sách an sinh xã hội được triển khai đầy đủ, kịp thời; công tác chăm lo cho các hộ nghèo, các đối tượng chính sách và nhân dân vùng hạn hán được thực hiện tốt hơn; an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tai nạn giao thông được kiềm chế, giảm trên cả 3 tiêu chí.
Tuy nhiên, Ninh Thuận vẫn là tỉnh có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; tăng trưởng kinh tế đạt thấp so với kế hoạch đề ra (cả năm tăng 11%); tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản giảm 3,4%; thu nhập bình quân đầu người thấp (đạt 28,8 triệu đồng so với cả nước trên 42 triệu đồng/năm).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tỉnh Ninh Thuận tập trung chống hạn và chủ động phòng, chống lũ lụt; đẩy mạnh các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới và chương trình xóa đói giảm nghèo bền vững; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
Đồng thời thu hút doanh nghiệp và huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; tăng cường hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp có tiềm năng, lợi thế và sức cạnh tranh cao của Tỉnh như nho, măng tây, táo, dê, cừu, tôm giống…
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu tỉnh Ninh Thuận phát huy lợi thế, phát triển du lịch, dịch vụ. Tỉnh có chiến lược, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó, tập trung phát triển hạ tầng du lịch, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, có sản phẩm du lịch đa dạng, đặc sắc, phù hợp với các đối tượng, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá.
Tập trung cải cách hành chính, xây dựng chính quyền liêm chính, năng động, sáng tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp; chú trọng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, thực hiện tốt chính sách người có công, an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, đặc biệt đối với các huyện khó khăn, miền núi, có đông đồng bào dân tộc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 26/11/2024: Thị trường miền Nam giảm nhẹ
Giảm phát thải carbon, bước đệm vào nền kinh tế xanh toàn cầu
Chính thức: Hộ cá nhân có doanh thu dưới 200 triệu đồng được miễn thuế VAT