Thị trường

Thủ tướng đề nghị làm rõ nguyên nhân giá lợn thấp kéo dài

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra sáng nay 4/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa nhắc lại tình trạng lợn rớt giá thảm hại trong thời gian qua.

Theo đó, tại phiên họp, người đứng đầu Chính phủ cho biết, tình hình thị trường một số lĩnh vực còn bất ổn, công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, nhất là giá nông sản còn thấp, đặc biệt giá thịt lợn hơi rất thấp, kéo dài, gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Trong khi đó thì giá thịt lợn trên thị trường vẫn cao (siêu thị vẫn bán giá khoảng 100.000 đồng/kg).

Trước tình trạng trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khẩn trương khắc phục.

Thủ tướng đề nghị rà soát ngay các quy hoạch, kế hoạch và tình hình sản xuất, chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm thuộc phạm vi quản lý, không được để xảy ra những trường hợp tương tự.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP.

 “Chúng ta đã bị dưa hấu mấy trận rồi, bây giờ đến thịt lợn, sắp tới còn bị cái gì nữa?”, Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao là đúng hướng nhưng trước đó, cần xem xét thị trường tiêu thụ nào cho sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đó, chứ không chỉ tập trung vào sản xuất mà không chú ý vấn đề tiêu thụ.

Trước đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký văn bản số 597/TTg-NN trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh các biện pháp đàm phán tìm thị trường xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi, tạo điều kiện tối đa cho việc xuất khẩu thịt lợn.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương tuyên truyền, làm việc cụ thể với các doanh nghiệp chế biến, các hộ tiêu thụ lớn về thịt (các khu công nghiệp, các đơn vị lực lượng vũ trang) để đẩy mạnh tiêu thụ, sử dụng sản phẩm thịt trong nước nhằm chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi.

Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Tài chính và các địa phương tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh áp dụng các giải pháp về công nghệ, quản lý phù hợp nhằm tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, giá bán các sản phẩm đầu vào của ngành chăn nuôi, nhất là thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao đẩy nhanh các biện pháp đàm phán tìm thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm của ngành chăn nuôi lợn.

 

Giao Bộ Công Thương chủ trì hướng dẫn UBND các tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện tối đa cho việc xuất khẩu thịt lợn. Chỉ cho phép tái xuất thịt lợn và phụ phẩm thịt lợn đông lạnh sau khi đã xuất khẩu các lô hàng lợn, thịt lợn trong nước đang chờ thông quan tại các cửa khẩu trên địa bàn.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường và lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tạm nhập tái xuất thịt lợn và phụ phẩm thịt lợn, bảo đảm quản lý chặt chẽ không xảy ra buôn lậu gian lận thương mại.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương chỉ đạo Sở Công Thương làm việc với các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, giết mổ có năng lực dự trữ, chế biến tăng cường thu mua giết mổ cấp đông thịt lợn trong các tháng mùa hè sắp tới; rà soát chi phí trong các khâu nhằm giảm chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ; tổ chức chương trình kết nối giữa doanh nghiệp và vùng sản xuất, tăng cường thu mua chế biến cấp đông; kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường ký kết các hợp đồng tiêu thụ lợn thịt với các trang trại chăn nuôi để tạo nguồn cung ổn định phục vụ công tác bình ổn và bảo đảm thu mua lợn thịt cho người chăn nuôi với giá cả hợp lý.

Phó Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các ngân hàng thương mại, các tổ chức tín dụng xem xét giãn nợ, miễn giảm lãi đối với các khoản vốn đã vay; tiếp tục cho vay mới đối với những hộ gia đình, cá nhân, tổ chức có nhu cầu vay cho phát triển chăn nuôi và sản xuất.

Về giải pháp lâu dài, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương tiếp tục có các giải pháp tổng thể, lâu dài để hướng dẫn các địa phương phát triển chăn nuôi có hiệu quả, bền vững.

 

Trong đó, xây dựng, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện phát triển chăn nuôi gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành và chế biến sâu các sản phẩm chăn nuôi để tăng sức mua trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; rà soát điều chỉnh hạn chế mở mới các cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi công nghiệp; giảm quy mô đàn lợn, nhất là đàn lợn nái, điều chỉnh lại cơ cấu chất lượng đàn giống, phương thức chăn nuôi phù hợp với từng phân khúc thị trường; tổ chức lại sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi liên kết từ cung cấp đầu vào cho sản xuất đến chế biến, tiêu thụ, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại làm động lực nhằm kiểm soát tốt chất lượng, an toàn thực phẩm và điều tiết cung cầu thị trường các sản phẩm chăn nuôi.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành chức năng có giải pháp tháo gỡ khó khăn để tiếp tục ổn định phát triển chăn nuôi trên địa bàn.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo