Thị trường

Thủ tướng: Đến 2020 nợ công còn khoảng 60,2% GDP

Nợ công của Việt Nam đến cuối năm 2014 là 60,3% GDP và theo kế hoạch đến năm 2016 sẽ tăng lên mức cao nhất là 64,9% GDP, các năm sau đó sẽ giảm dần, đến năm 2020 còn khoảng 60,2% GDP.

Đây là thông tin được Thủ tướng tóm lại ở cuối văn bản trả lời chất vấn đại biểu Hà Sỹ Đồng, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị về tình hình nợ công.

 
Đại biểu Đồng viết, trong báo cáo đầu kỳ họp Quốc hội thứ 8, Thủ tướng có đánh giá nợ công tăng nhanh và khẳng định vẫn trong giới hạn an toàn theo quy định. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nợ công đã chạm trần và trong vài năm tới có thể vượt trần, lo ngại về hiệu quả sử dụng và khả năng trả nợ.
 
Xin Thủ tướng cho biết thực tế nợ công, tình hình sử dụng và trả nợ như thế nào? Thời gian tới Chính phủ có giải pháp gì để tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nợ công? đại biểu Đồng chất vấn.
 
Nợ công là vấn đề hệ trọng
 
Nợ công của quốc gia là vấn đề hệ trọng, được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đặc biệt quan tâm, Thủ tướng khẳng định ngay dòng đầu tiên của văn bản trả lời.
 
Sau đó, người đứng đầu Chính phủ trình bày, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với những yếu kém nội tại, kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại, từ bình quân 7%/năm giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn khoảng 5,8%/năm giai đoạn 2011 - 2015. 
 
Trong khi đó nhu cầu chi tăng mạnh để bảo đảm an sinh xã hội, chi lương và tăng lương theo lộ trình, hoạt động hành chính sự nghiệp, tăng cường quốc phòng an ninh và chi trả nợ đến hạn. Tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách tăng từ 55% lên 64,8%, trong đó chi cho con người trong chi thường xuyên tăng từ 62,2% lên 68,2%. Chi cho an sinh xã hội tăng khoảng 18%/năm, cao hơn tốc độ tăng khoảng 10%/năm của thu, 12%/năm của chi ngân sách. 
 
Từ năm 2011 đến nay đã 3 lần điều chỉnh tăng lương, 2 lần tăng phụ cấp công vụ. Tại kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống) với 6,3 triệu người được hưởng từ ngày 1/1/2015. 
 
Do đó, phần còn lại chi cho đầu tư phát triển giảm mạnh, từ 25% trong tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn khoảng 18% giai đoạn 2011 - 2015.
 
Trước thực trạng này, để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đã đề ra, trên cơ sở bảo đảm an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương chủ động tăng vay nợ cả trong và ngoài nước - chuyển mạnh sang vay trong nước - để tập trung cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.
 
Quốc hội đã ban hành Luật Quản lý nợ công, quy định nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Quốc hội đã có Nghị quyết số 10/2011/QH13 quy định trần nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP. 
 
Chính phủ đã ban hành Chiến lược quản lý nợ công giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, trong đó quy định nợ công đến năm 2020 không quá 65% GDP và nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm.
 
Theo đó, giai đoạn 2011 - 2015, kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ là 335 nghìn tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần giai đoạn 2006 - 2010 (đã phát hành 250 nghìn tỷ đồng và năm 2015 sẽ phát hành thêm 85 nghìn tỷ đồng). Đồng thời đẩy mạnh giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi và bảo lãnh vay để đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu. 
 
Do đó, nợ công tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 lên 60,3% GDP vào cuối năm 2014 và khoảng 64% GDP vào cuối năm 2015. 
 
Mức nợ công này vẫn trong giới hạn quy định an toàn cho phép theo Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng nhấn mạnh.
 
Theo Thủ tướng, việc trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn, bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước năm 2014 khoảng 14,2% (theo quy định là không quá 25%). 
 
Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định hơn, Việt Nam còn sử dụng một phần vay mới với kỳ hạn dài hơn, lãi suất thấp hơn để đảo nợ, góp phần làm giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và giảm chi phí vay vốn. Việc đảo nợ này không làm tăng tổng số nợ công và phù hợp với Luật Quản lý nợ công cũng như thông lệ quốc tế.
 
Nợ công đã tăng sát trần cho phép
 
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhìn nhận là nợ công đã tăng sát trần cho phép, áp lực trả nợ lớn trong ngắn hạn. Một số dự án đầu tư kém hiệu quả, tình trạng tham nhũng, lãng phí trong đầu tư xây dựng vẫn còn, có vụ việc nghiêm trọng. Cơ cấu ngân sách chưa lành mạnh; tỷ trọng thu ngân sách/GDP giảm; chi thường xuyên tăng nhanh và chiếm tỷ trọng lớn; tỷ trọng chi đầu tư giảm; bội chi còn cao. 
 
Thực trạng này gây lo lắng, bức xúc trong xã hội; nếu chủ quan, buông lỏng, không tiếp tục chủ động kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả, sẽ gây mất an toàn tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô, văn bản nêu rõ.
 
Mặc dù vậy, theo Thủ tướng, Việt Nam vẫn phải tiếp tục sử dụng vốn vay cả trong và ngoài nước để đầu tư phát triển, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. 
 
Cho biết là Chính phủ sẽ đặc biệt quan tâm chỉ đạo nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công, Thủ tướng cũng nêu các nhiệm giải pháp sẽ được thực hiện tốt, trong thời gian tới.
 
Đó là, Chính phủ sẽ tập trung quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là các khoản vay mới, bảo đảm theo đúng quy định và trong giới hạn cho phép; phấn đấu đến năm 2020 nợ công giảm còn khoảng 60,2% GDP (quy định là không quá 65% GDP), nợ Chính phủ khoảng 46,6% GDP (quy định là không quá 55% GDP) và tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 20% (quy định là không quá 25%). 
 
Thủ tướng khẳng định, nợ công chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội quan trọng, thiết yếu theo quy hoạch; rà soát, phê duyệt chặt chẽ danh mục sử dụng vốn vay của Chính phủ, vốn vay được Chính phủ bảo lãnh và vốn vay của chính quyền địa phương.
 
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư, chất lượng công trình và theo đúng quy định của pháp luật; chủ động ngăn ngừa và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, cũng là giải pháp được Thủ tướng nhấn mạnh khi hồi âm đại biểu.
 
Văn bản trả lời còn nêu rõ, Chính phủ khẩn trương cơ cấu lại nợ công, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn và chi phí vay vốn. Các khoản vay mới, kể cả vay để đảo nợ chủ yếu phải có kỳ hạn từ 5 năm trở lên; tăng tính thanh khoản của thị trường trái phiếu Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ việc trả nợ đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh và thu đủ nợ đối với các khoản Chính phủ vay về cho vay lại. 
 
Bố trí nguồn từ ngân sách nhà nước trong giới hạn quy định (không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước) và sử dụng Quỹ tích lũy trả nợ để bảo đảm trả nợ đúng hạn.
 
Nợ nước ngoài của quốc gia đến cuối năm 2014 khoảng 39,9% GDP và dự kiến đến năm 2020 khoảng 46% GDP (quy định là không quá 50% GDP). Tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia so với tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa dịch vụ năm 2014 khoảng 25,9%, trong đó có 11,32% là do các ngân hàng thương mại đã tận dụng cơ hội vay ngoại tệ ngắn hạn, lãi suất thấp ở nước ngoài để đáp ứng ngay cho nhu cầu thanh toán hàng hóa dịch vụ nhập khẩu.
 
Chính phủ sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý việc vay ngắn hạn của các tổ chức tín dụng để từ năm 2015 bảo đảm tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ này trong giới hạn quy định (dưới 25% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa dịch vụ hàng năm), Thủ tướng trả lời đại biểu Hà Sỹ Đồng.
 
Theo VnEconomy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo