Thị trường

Thủ tướng giao 4 nhiệm vụ cho ngành Ngân hàng

(DNVN) - "Kiểm soát lạm phát, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, ổn định thị trường ngoại tệ, giảm dần tiến tới chấm dứt tình trạng đô la hoá, tăng dự trữ ngoại hối...", là một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ đưa ra cho ngành Ngân hàng.

Ngày 26/4, tại Hà Nội, ngành Ngân hàng Việt Nam tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Ngân hàng Việt Nam (6/5/1951 – 6/5/2016) và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự buổi lễ.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những thành tích của ngành Ngân hàng trong suốt 65 năm qua. Trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, song hành cùng đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ và trên biển, ngành Ngân hàng đã viết nên “Huyền thoại con đường tiền tệ” anh hùng, sáng tạo, quả cảm. Từ khi đất nước được thống nhất, ngành Ngân hàng luôn đóng vai trò là hệ thống huyết mạch cung cấp tín dụng cho nền kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng bằng khen cho ngành ngân hàng.

Thủ tướng mong muốn ngành Ngân hàng tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, chủ động, linh hoạt và sáng tạo, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao.Thủ tướng nêu ra 4 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Ngân hàng cần tập trung thực hiện tốt trong thời gian tới.

Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực và hiệu quả chỉ đạo điều hành. Theo dõi, dự báo sát tình hình kinh tế trong và ngoài nước. Điều hành linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách khác, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, duy trì mặt bằng lãi suất hợp lý, ổn định thị trường ngoại tệ, giảm dần tiến tới chấm dứt tình trạng đô la hoá, tăng dự trữ ngoại hối.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại toàn diện các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu quyết liệt, hiệu quả theo lộ trình và nâng cao chất lượng tín dụng; chủ động thực hiện hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền những quyết sách phù hợp về tái cơ cấu, xử lý nợ xấu, giải phóng nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển KT-XH. Tập trung nâng cao năng lực tài chính, quản trị ngân hàng và hiệu quả hoạt động, chú trọng các biện pháp phòng ngừa và xử lý rủi ro của các tổ chức tín dụng, từng bước tiếp cận chuẩn mực quốc tế; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm, bảo đảm an toàn hệ thống. Tích cực thực hiện các giải pháp phát triển mạnh hệ thống thanh toán qua ngân hàng, hạn chế sử dụng tiền mặt, góp phần tăng cường minh bạch, phòng chống tham nhũng, rửa tiền.

Ba là, tập trung làm tốt hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hoá quy trình, hồ sơ, thủ tục vay vốn, hỗ trợ và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng vốn tín dụng hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng triệt để tiết giảm chi phí, bảo đảm lãi suất cho vay phù hợp, tập trung vốn tín dụng cho những lĩnh vực ưu tiên; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức đối thoại thường xuyên, thực chất với các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, khách hàng để cùng tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bốn là, tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Ngân hàng vững vàng về tư tưởng chính trị, có tư duy đổi mới, có phẩm chất, năng lực, tính chuyên nghiệp cao, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế.

 

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Hồ Chí Minh cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo