Thủ tướng không hài lòng về EVN
Năng suất lao động ngành điện thấp đến khó tin cùng với cung cách quản lý, tuyển dụng có vấn đề của Tập đoàn này khiến Thủ tướng không hài lòng.
EVN: 67 ngàn lao động "ghi chữ, thu tiền"
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hiện đang có tới 67 ngàn lao động "ghi chữ, thu tiền", trong khi năng suất lao động chỉ bằng 1/10 so với Singapore, chưa bằng một nửa Thái Lan và Malaysia…
Báo cáo tại buổi làm việc giữa Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương chiều 2/10, ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, 9 tháng đầu năm 2014 sản lượng điện của tập đoàn ước đạt trên 105 tỷ kwh, tăng hơn 10,7% so với cùng kỳ 2013. Tập đoàn này đã đưa vào phát điện 4 tổ máy với tổng công suất trên 1.600 MW; khởi công 3 dự án nhà máy nhiệt và thủy điện….
Ở khía cạnh năng suất lao động tại EVN, ông Vượng thừa nhận, hiện vẫn còn “quá thấp”. Đơn cử, Tổng công ty Điện lực HCM có năng suất lao động cao nhất hiên là 2,4 triệu kwh/người lao động; trong khi con số này tại Malaysia khoảng 2,9 triệu kwh/người lao động và tại Tập đoàn Tepco (Nhật Bản) là 7,5 triệu kwh/người lao động….Tính chung, năng suất lao động ngành điện Việt Nam chưa bằng một nửa Thái Lan, bằng 3/4 Malaysia và chỉ bằng 1/10 so với Singapore. “Ngành điện phấn đấu tới năm 2020 năng suất lao động sẽ ngang bằng với Thái Lan, Malaysia”, Chủ tịch EVN nói.
Con số về năng suất lao động ngành điện thấp khiến Thủ tướng không hài lòng.
“Năng suất lao động trong ngành điện hiện Việt Nam chỉ bằng 40% Thái Lan, 10% Singapore, có phải vậy không? Chúng ta yếu ở khâu nào, do trình độ lao động, hệ thống máy truyền tải công nghệ lạc hậu hay do biên chế gia tăng…? Tôi được biết có Chi cục Điện lực, lãnh đạo trước khi nghỉ hưu nhận thêm hàng trăm nhân viên vào làm việc. Thử hỏi như thế thì làm sao năng suất lao động cao được?” – Thủ tướng đặt câu hỏi với Chủ tịch Tập đoàn EVN.
Cắt nghĩa nguyên nhân khiến năng suất lao động ngành điện đang quá thấp, ông Phạm Lê Thanh – Tổng Giám đốc EVN bổ sung, do phụ thuộc vào trang thiết bị hiện nay. Trong khi các nước đã chuyển sang sử dụng công tơ điện tử đo lượng điện tiêu thụ từ xa, truyền dữ liệu về trung tâm điều hành và in luôn hóa đơn. Khâu thanh toán cũng thực hiện qua “trung gian” là chuyển khoản ngân hàng…. Thì tại Việt Nam, vẫn cần một số lượng lớn cán bộ đi “ghi chữ, thu tiền”. Riêng lực lượng này trong ngành điện hiện chiếm tới 67 ngàn người.
“Số lượng nhân sự “ghi chữ, thu tiền” lớn cũng khiến năng suất lao động ngành điện thấp. Còn biên chế, thì hiện tập đoàn đã dừng tuyển mới ở tất cả các đơn vị thành viên” – Tổng giám đốc EVN trần tình.
Thừa nhận chuyện bộ máy biên chế “phình to” đã ảnh hưởng tới năng suất lao động của ngành, Chủ tịch EVN Hoàng Quốc Vượng “hứa” với Thủ tướng, EVN đang và sẽ triển khai nhiều giải pháp trước mắt cũng như lâu dài như lắp đặt công tơ điện tử, khuyến khích người dân đóng tiền điện qua ngân hàng… để nâng cao năng suất lao động của ngành.
Trước thực trạng này, Thủ tướng yêu cầu EVN xem xét lại bộ máy, cắt giảm tinh gọn biên chế Người đứng đầu Chính phủ sốt ruột, “nếu như năng suất lao động ngành điện thấp là do biên chế tăng quá lớn thì không cần phải chờ đến năm 2020 mới đạt ngang bằng Thái Lan, mà phải cắt giảm ngay. Giảm biên chế không có nghĩa là đẩy người lao động ra đường, mà cần sắp xếp lại cho đúng vị trí, trình độ để nâng cao năng suất lao động lên”.
Bộ máy cồng kềnh khiến năng suất lao động ngành điên thấp, Thủ tướng nhấn mạnh thêm, không riêng gì ngành điện mà các ngành khác cũng phải xem xét, đánh giá lại năng suất lao động, chi phí, giá thành và hiệu quả hoạt động. Với tinh thần này, người đứng đầu Chính phủ hoan nghênh đề xuất của EVN và yêu cầu tập đoàn này hoàn thành và báo cáo Chính phủ đề án về sử dụng công nghệ quản lý lưới điện và thu tiền điện thông minh để xem xét, quyết định.
Giảm thủ tục, đảm bảo cân đối điện, xăng dầu
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Công Thương cần tập trung rà soát, đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách theo hướng thông thoáng nhất, thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
“Các đồng chí thử đi làm doanh nghiệp, đi làm kinh doanh như người dân thì các đồng chí sẽ thấy rất nhiều vướng mắc rất vô lý. Những vướng mắc hoàn toàn có thể sửa được mà không mất tiền bạc. Chúng ta phải sửa đổi vì cuộc sống đòi hỏi, phải sửa vì thực tiễn cuộc sống đã phát triển và vượt qua tất cả các quy định cũ của chúng ta” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.
Ngoài ra, ngành công thương cũng phải đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế gồm cân đối điện, than và xăng dầu. Thủ tướng cho rằng việc vượt kế hoạch khai thác 1 triệu tấn dầu thô, tiêu thụ thêm 500 ngàn tấn than trong năm nay đã đóng góp 0,16 đến 0,2 điểm phần trăm GDP, và nếu ngành Công Thương đạt mức tăng trưởng công nghiệp 7,2% và trên 7,2% thì tăng trưởng GDP 5,8% là hoàn toàn khả thi và có thể cao hơn.
Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Hội chợ đặc sản 2024: Cầu nối đưa sản phẩm Việt vươn xa
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Cột tin quảng cáo