Thủ tướng lại cương quyết thay lãnh đạo không cổ phần hóa
Khẳng định cổ phần hóa giúp giảm tiêu cực, tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải phải cổ phần hóa quyết liệt các tổng công ty thuộc bộ trong năm nay, "lãnh đạo nào không làm được thì thay".
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 của Bộ Giao thông Vận tải ngày 9/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh tới công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Giao thông Vận tải với 15 tổng công ty.
Thủ tướng chỉ đạo cần phải cổ phần hóa hết, niêm yết trên thị trường chứng khoán, thu hẹp đầu tư ngoài ngành, bố trí lại cán bộ quản lý cho phù hợp, đặc biệt là các tổng công ty hàng hải, đóng tàu, hàng không.
"Năm nay phải cổ phần hóa quyết liệt, lãnh đạo nào không làm được thì thay", Thủ tướng chỉ đạo và khẳng định doanh nghiệp cổ phần hóa sẽ giảm tiêu cực, tham nhũng.
Ngày 24/12/2013 vừa qua, nhiệm vụ cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước cũng được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh là trọng tâm trong cuộc họp với các Bộ, ngành và địa phương.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, năm 2014 dứt khoát phải tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước sau khi các đề án đã được phê duyệt xong. Theo ông, sắp xếp cán bộ là nhân tố quyết định tới sự thành bại của cuộc cải tổ, tái cơ cấu này.
"Nhưng sắp xếp, bố trí lãnh đạo cán bộ không tốt thì không tái được gì hết. Nếu ông cán bộ lãnh đạo ở đó mà không chịu cổ phần hóa thì phải thay thế", Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng cũng yêu cầu thoái vốn Nhà nước tại những ngành không cần nắm giữ. "Cái nào thua lỗ, không khắc phục được thì giải thể, phá sản đi, lần này phải kiên quyết. Muốn có kinh tế thị trường phải đặt doanh nghiệp Nhà nước trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, trong tiếp cận vốn và các nguồn lực khác", ông nhấn mạnh.
Chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến, Thủ tướng vẫn lưu ý việc bán vốn Nhà nước phải thực hiện nghiêm túc, tránh bán tràn lan, sơ hở, mất mát tài sản.
Trong khi đó, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, lúc khó khăn như hiện nay chính là thời cơ để loại bỏ doanh nghiệp yếu kém, không phù hợp với nền kinh tế mới.
"Khi thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế việc các doanh nghiệp phá sản nhiều vẫn là bình thường. Không nên câu nệ những số liệu hàng chục doanh nghiệp phá sản bởi đã gọi tái cơ cấu nền kinh tế mà vẫn duy trì những doanh nghiệp như như cũ thì không thành công", ông Thăng nói.
Ngoài việc cương quyết thay lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước không cổ phần hóa, vừa qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có nhiều chỉ đạo cho thấy quyết tâm cao độ về việc cách chức lãnh đạo tham nhũng.
Cụ thể ngày 10/2 tới đây, Nghị định số 211/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 quy định rõ, việc xử lý kỷ luật người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý của Chính phủ sẽ có hiệu lực.
Theo đó, nếu để xảy ra vụ việc tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì tùy theo tính chất, mức độ của vụ, việc sẽ xử lý kỷ luật bằng một trong những hình thức là khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức.
Báo Đất việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo