Thủ tướng lại nhắc chấm dứt đầu tư ngoài ngành
“Trong năm 2014-2015, Việt Nam đặt mục tiêu chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính; thực hiện cổ phần hóa khoảng 500 doanh nghiệp nhà nước (DNNN)”.
Vấn đề này từng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhắc nhiều khi bàn câu chuyện tái cơ cấu kinh tế tại Việt Nam và một lần nữa tại Diễn đàn đối tác phát triển tổ chức ngày 5/12 tại Hà Nội.
Theo đó, yêu cầu các DNNN chấm dứt đầu tư ngoài ngành lại được Thủ tướng nhắc với quyết tâm cao hơn.
Thủ tướng cho biết, mục tiêu của Việt Nam trong năm 2017 là bảo đảm tăng trưởng GDP đạt 5,6% và năm 2015 là khoảng 6%; giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu như hiện nay, tập trung sức đẩy mạnh tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để nền kinh tế Việt Nam mạnh hơn, sức phát triển cao hơn để không rơi vào bẫy phát triển trung bình.
Một số các biện pháp cụ thể mà Thủ tướng nêu gồm việc kết thúc trợ giá than cho các nhà máy điện trong giai đoạn 2014-2015, tái cơ cấu đầu tư công chặt chẽ hơn, ban hành các quy định để thúc đẩy các hình thức đầu tư khác nhau, đặc biệt là hình thức hợp tác công – tư (PPP).
Riêng lĩnh vực cải cách DNNN, Thủ tướng cho biết trong giai đoạn tới sẽ công khai kết quả hoạt động của DNNN.
“Trong 2014-2015, Việt Nam đặt mục tiêu chấm dứt tình trạng đầu tư ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính; thực hiện cổ phần hóa khoảng 500 DNNN, trong đó cổ phần hóa 1/8 tập đoàn kinh tế, 5/10 tổng công ty 91 và hầu hết tổng công ty 90 (trong tổng số 87 tổng công ty) và bán tiếp cổ phần 4/5 ngân hàng thương mại Nhà nước đã cổ phần hóa, tạo đà cho việc hoàn thành cổ phần hóa vào 2020”, Thủ tướng khẳng định.
Trước đó khi bàn về vấn đề tái cơ cấu đầu tư công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện kế hoạch đầu tư trung hạn, nâng cao hiệu quả đầu tư công, khắc phục đầu tư dàn trải.
Đồng thời tiến hành rà soát các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, vốn ODA, vốn tín dụng đầu tư phát triển và các khoản vay được Nhà nước bảo lãnh để tập trung đầu tư các công trình, dự án quan trọng thiết yếu, có sức lan tỏa lớn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư của xã hội.
Bảo đảm các dự án đầu tư phải theo quy hoạch, kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt gắn với trách nhiệm của người ra quyết định đầu tư và chủ đầu tư.
Về vấn đề tái cơ cấu DNNN, từ tháng 1/2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu thực hiện quyết liệt việc tái cơ cấu DNNN theo Đề án đã được phê duyệt, trọng tâm là tập đoàn kinh tế và tổng công ty; tập trung đẩy nhanh tiến độ và thực hiện giảm vốn Nhà nước không cần nắm giữ tại các doanh nghiệp đã cổ phần hoá...
Khi đó, Thủ tướng yêu cầu các DNNN cần nghiêm túc nhìn nhận những yếu kém của mình. Đó là, còn có những tập đoàn, tổng công ty làm ăn thua lỗ kéo dài; công tác quản trị doanh nghiệp chưa có chuyển biến nhiều; đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, tái cơ cấu chậm, còn tình trạng lãng phí, tham nhũng.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Cột tin quảng cáo