Quốc tế

Thủ tướng Modi mang sáng kiến "Make in India" sang Trung Quốc

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi được cho là sẽ nỗ lực tập trung vào chiến dịch mang tên "Make in India" (sản xuất tại Ấn Độ) trong khuôn khổ chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc bắt đầu vào ngày 14/5. Chuyến thăm kéo dài 3 ngày của Thủ tướng Modi nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương, trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc và Ấn Độ đang có những căng thẳng xoay quanh vấn đề biên giới.

 

Trong chuyến công du này, ông Modi sẽ gặp các quan chức hàng đầu chính phủ và lãnh đạo các tập đoàn tại Tây An, Bắc Kinh và Thượng Hải để thảo luận về hợp tác kinh tế lớn hơn giữa hai người khổng lồ châu Á.
 
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
 
"Tôi cam đoan 100% rằng, sáng kiến "Make in India" sẽ là nội dung trọng tâm số 1 của ông Modi trong chuyến công du Trung Quốc tuần này", Anil Gupta, người phụ trách chiến lược, toàn cầu và doanh nhân tại Đại học Maryland tiết lộ với hãng tin CNBC.
 
Được tung ra vào tháng 9/2014, "Make in India" là sáng kiến đầy tham vọng của ông Modi nhằm biến Ấn Độ trở thành công xưởng sản xuất toàn cầu - một vai trò mà Trung Quốc đã nắm giữ trong suốt 3 thập kỷ qua.
 
Kể từ khi tung ra sáng kiến trên, ông Modi đã thực hiện các chuyến công du nước ngoài nhằm thu hút sự chú ý của lãnh đạo các doanh nghiệp đối với chiến dịch quan trọng của ông, trong đó đáng chú ý là các chuyến thăm Pháp, Đức và Canada gần đây.
 
Theo nhận định của ông Anil Gupta, 100% các doanh nghiệp của Trung Quốc sẽ có phản ứng tích cực với chính sách của ông Modi.
 
"Khi họ nhìn ra toàn cầu, Ấn Độ được xem như là cơ hội phát triển nhanh nhất và lớn nhất", ông nói thêm.
 
Xiaomi là một ví dụ về một công ty của đại lục Trung Quốc đã quan tâm đến sáng kiến này. 
 
Theo tin từ Reuters, gần đây, hãng sản xuất điện thoại giá rẻ Xiaomi đã tiết lộ rằng, họ đang đánh giá các địa điểm tại Ấn Độ để lập một đơn vị sản xuất nhằm phục vụ tốt hơn thị trường trong nước. Xiaomi coi Ấn Độ là thị trường lớn hai toàn cầu bên ngoài Trung Quốc.
 
Ông Gupta cho rằng, các công ty công nghệ khác của Trung Quốc, chẳng hạn như Lenovo và Huawe,  có khả năng sẽ thực hiện những bước đi tương tự như Xiaomi.
 
Rajiv Biswas, chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á Thái Bình Dương của IHS cũng có chung quan điểm trên. Theo đó, các hãng sản xuất thiết bị cơ sở hạ tầng của Trung Quốc cũng sẽ quan tâm đến việc thiết lập một cơ sở sản xuất tại Ấn Độ.
 
"Ấn Độ có khả năng sẽ trở thành một địa điểm ngày càng hấp dẫn đối với các công ty của Trung Quốc trong việc khai thác thị trường Ấn Độ đang phát triển nhanh cũng như các cơ hội trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng của Ấn Độ", chuyên gia Biswas nói.
 
Ông cho biết thêm, các hãng sản xuất thiết bị cơ sở hạ tầng của Trung Quốc sẽ đầu tư đáng kể vào Ấn Độ trong 5 năm tới để cạnh tranh với các phân khúc thị trường đang phát triển nhanh, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng điện, thiết bị truyền thông và thiết bị đường sắt.
 
Công ty Tebean Electric Apparatus Stock của Trung Quốc - hãng chuyên cung cấp thiết bị điện cho ngành công nghiệp điện Ấn Độ - gần đây đã quyết định sản xuất thiết bị điện tại Ấn Độ.
 
Baoding Tianwei - tập đoàn sản xuất thiết bị truyền tải điện, và Trina Solar - nhà sản xuất hàng đầu thế giới về thiết bị năng lượng mặt trời - cũng có kế hoạch thiết lập các cơ sở sản xuất tại Ấn Độ.
 
NM (Theo CNBC)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo