Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Siết chặt chi tiêu ngân sách
"Chúng ta cứ nói tiết kiệm chi, không dám mua ôtô cỡ 700-800 triệu đồng, nhưng chỉ một đoàn đi nước ngoài khoảng 10 thành viên thanh toán vé máy bay, tiền khách sạn hết khoảng 50.000 USD đã hơn tiền chiếc ôtô" - Thủ tướng phát biểu.
“Hiện nay còn lãng phí lớn lắm. Ta còn nghèo, đầu tư đang giảm như thế, nhưng đầu tư kém hiệu quả, lãng phí ở đâu cũng có”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu như vậy tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 diễn ra ngày 29-12.
Một đoàn đi nước ngoài bằng mua cả chiếc ôtô
Tại hội nghị, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết Chính phủ đã có dự thảo nghị quyết về tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2015.
Một trong những nhiệm vụ, giải pháp hàng đầu là tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong điều hành tài chính - ngân sách. Trong đó tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý nhà nước, sự nghiệp công.
Cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi công tác nước ngoài, định kỳ hằng quý báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ông Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh đến việc không mua xe công, trừ xe chuyên dụng và một số trường hợp đặc biệt. Dừng triển khai và thu hồi các khoản kinh phí mua sắm, sửa chữa, đầu tư đến ngày 30-6-2015 chưa phân bổ hoặc đã phân bổ nhưng chưa triển khai thực hiện.
Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng một trong những vấn đề mà vừa qua Quốc hội, người dân và báo chí hết sức quan tâm, đó là việc quản lý và sử dụng tốt ngân sách nhà nước.
Thu đúng, thu đủ, phấn đấu đạt kế hoạch đề ra là một mặt, nhưng mặt khác phải quản lý chi tốt hơn. Thủ tướng cho rằng trách nhiệm của Chính phủ là quản lý chặt chẽ chi tiêu ngân sách, đồng thời đề nghị các bộ ngành, các địa phương cũng với tinh thần như vậy.
“Bây giờ chi thường xuyên quá lớn, bên cạnh đó chúng ta phải bố trí đủ để chi trả nợ, trong khi đó chi đầu tư đang giảm dần, do vậy chúng ta cần hết sức chú ý thu chi ngân sách, đặc biệt là tiết kiệm chi. Hiện nay còn lãng phí lớn lắm.
Ta còn nghèo, đầu tư đang giảm như thế, nhưng đầu tư kém hiệu quả, lãng phí ở đâu cũng có. Nơi thì thiếu phòng học, nơi thì phòng học không có học trò, chợ không có người vào... Cần quản lý chặt chẽ hơn nữa đầu tư công, tiền thuế của dân phải được sử dụng có hiệu quả” - Thủ tướng nói.
Trước việc Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết các đoàn đi nước ngoài trong năm 2014 đã có chuyển biến theo hướng tiết kiệm hơn, số lượng các đoàn trung ương ra nước ngoài (từ cấp thứ trưởng trở lên) giảm khoảng 20% so với năm 2013, các đoàn địa phương giảm trên 8%, Thủ tướng Chính phủ bày tỏ vui mừng.
Thủ tướng cho rằng: chúng ta cứ nói tiết kiệm chi, không dám mua ôtô cỡ 700-800 triệu đồng, nhưng chỉ một đoàn đi nước ngoài khoảng 10 thành viên thanh toán vé máy bay, tiền khách sạn hết khoảng 50.000 USD đã hơn tiền chiếc ôtô.
“Tôi đề nghị lãnh đạo các bộ, các địa phương khi tính toán đi nước ngoài phải hết sức cân nhắc, hiệu quả, tiết kiệm vì đất nước còn nghèo” - Thủ tướng nói.
Nhắc đến việc tổ chức các ngày lễ lớn và tiến hành đại hội Ðảng các cấp trong năm 2015, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến tinh thần hiệu quả, tiết kiệm.
Đề xuất mua dầu thô dự trữ
Hội nghị đã có nhiều ý kiến đóng góp vào dự thảo nghị quyết của Chính phủ. Trong bối cảnh giá dầu giảm, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân đã đề xuất tăng cường mua dầu để dự trữ.
“Ðây là cơ hội quan trọng. Chúng ta có thể tạm ngưng hoặc giảm sản lượng khai thác dầu, thay dự trữ ngoại hối thì tăng dự trữ dầu, vì dầu cũng là nguyên liệu rất quan trọng để phục vụ sản xuất” - ông Quân nói.
Trước ý kiến nêu trên, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết vừa qua Chính phủ và các cơ quan chức năng có liên quan đã nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp để xử lý vấn đề khai thác dầu thô trong năm 2015.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết việc giá dầu thế giới giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi có tác động hai chiều đến kinh tế nước ta.
Giá thành khai thác các mỏ của ta có mức trung bình 35-37 USD/thùng, do vậy diễn biến giá dầu hiện nay tuy có giảm lợi nhuận nhưng chưa ảnh hưởng đến kế hoạch khai thác.
Ông Vinh nói trong trung và dài hạn, giá dầu thế giới giảm có tác động tích cực làm giảm giá xăng dầu trong nước, giảm chi phí đầu vào, giảm chi phí sản xuất, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng ít phụ thuộc hơn vào dầu mỏ.
Theo tính toán sơ bộ, nếu giá xăng dầu trong nước giảm khoảng 10% thì chi phí sản xuất sẽ giảm khoảng 0,57%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm khoảng 0,55% và kinh tế có thể tăng thêm 0,91%.
Phục vụ nhân dân, doanh nghiệp bằng hành động cụ thể
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho rằng vừa qua môi trường kinh doanh của nước ta có cải thiện, nhưng so với nhiều nước trong ASEAN thì còn thấp.
“Ai thắng, ai vươn lên được chính là ở năng lực cạnh tranh. Không có cách nào khác chúng ta phải tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng năng lực cạnh tranh lên” - Thủ tướng nói.
Trong năm 2015, các bộ ngành và địa phương cần chú ý đến việc tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh - Thủ tướng yêu cầu.
Thực tế cho thấy cơ chế, chính sách các địa phương như nhau, nhưng địa phương nào, ngành nào quan tâm việc này sẽ giải quyết được rất nhiều việc.
“Bây giờ kinh tế là trung tâm. Cả nước có khoảng 400.000 doanh nghiệp hoạt động. Nhiệm vụ của chính quyền là tạo mọi thuận lợi, tháo gỡ mọi khó khăn để doanh nghiệp và người dân làm ăn, có như vậy thì kinh tế mới tăng trưởng được. Phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp bằng hành động cụ thể” - Thủ tướng nói.
Ngăn chặn tài liệu không đúng sự thật về lãnh đạo
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đại biểu đã đề cập vấn đề liên quan đến thông tin trên mạng Internet.Bộ trưởng Bộ Công an, đại tướng Trần Đại Quang cho rằng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ an ninh thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước cần được đặc biệt quan tâm. Gần đây qua công tác nắm tình hình, Bộ Công an thấy rằng khâu này còn nhiều sơ hở.Theo ông Quang, việc khai thác thông tin trên mạng rất phong phú, đa dạng, nhưng có cả thông tin tốt, thông tin xấu, do vậy cần hết sức chú ý tránh luận điệu sai trái, thù địch, những thông tin độc hại, đả kích, bôi nhọ, xuyên tạc, gây chia rẽ nội bộ.Trong năm 2015, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý việc cung cấp dịch vụ Internet, tập trung ngăn chặn việc tán phát các tài liệu xuyên tạc không đúng sự thật trên mạng Internet nhằm bôi nhọ, đả kích các đồng chí lãnh đạo và gây chia rẽ nội bộ.Đề cập vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, đại tướng Phùng Quang Thanh cũng cho rằng hiện nay chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm, quy hoạch nhân sự cấp cao, chuẩn bị đại hội thì lại “rộ lên”, việc này đã gây ảnh hưởng niềm tin.Theo ông Thanh, cán bộ có sai phạm, khuyết điểm thì Ủy ban Kiểm tra trung ương sẽ kiểm tra, chứ còn đưa lên mạng thì gây phân tâm.
Theo Tuổi trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá cà phê thiết lập mức đỉnh mới
Ngành bia và đồ uống đóng góp gần 60 ngàn tỷ đồng vào ngân sách mỗi năm
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc dự báo đạt kỷ lục
Giá nông sản ngày 26/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Tỷ giá ngoại tệ ngày 26/11/2024: USD tăng nhẹ
Giá vàng ngày 26/11: Vàng miếng, vàng nhẫn đồng loạt lao dốc
Cột tin quảng cáo