Thị trường

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ thị sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước

(DNVN) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có Chỉ thị về việc đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2016-2020.

Theo đánh giá của Thủ tướng, mặc dù đã đạt được nhiều thành quả quan trọng, song tiến độ sắp xếp, đổi mới DNNN còn chậm. Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc giữ chi phối, đặc biệt là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.

Số lượng vốn Nhà nước đã bán ra chỉ chiếm khoảng 8% vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh Internet.

Cũng theo Thủ tướng, một số cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức, quản lý hoạt động của DNNN và sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ban hành chậm so với kế hoạch đề ra. 

Đáng chú ý là chưa có quy định nâng cao chất lượng và ràng buộc trách nhiệm của tổ chức tư vấn khi xác định giá trị doanh nghiệp và giá khởi điểm của DNNN cổ phần hóa; xử lý đất đai khi cổ phần hóa chưa chặt chẽ, còn bất cập.

Việc thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu Nhà nước đối với DNNN và doanh nghiệp có vốn Nhà nước chưa có hiệu quả; chưa tách được chức năng chủ sở hữu Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các cơ quan Nhà nước.

 Có cơ chế thu hút nhà đầu tư chiến lược, bổ sung tiêu chí gắn với trách nhiệm và chế tài bảo đảm thực hiện cam kết đối với cổ đông chiến lược; nghiên cứu, xây dựng quy định về thuê đất tại các vị trí có lợi thế kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu cho ngân sách Nhà nước.

Chỉ thị của Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính trong quý II/2017 trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 91 ngày 13/10/2015 về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

 

Nghị định sửa đổi này sẽ mở rộng thêm các phương thức thoái vốn khác như: đấu giá thông thường hoặc bán cả lô toàn bộ phần vốn Nhà nước tại công ty đại chúng niêm yết; xác định giá khởi điểm đối với phần vốn Nhà nước trước khi tổ chức bán theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn chứng khoán...

Trong tháng 2/2017, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cần trình Chính phủ Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp Nhà nước và vốn tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, tiêu chí phân loại đơn vị sự nghiệp công lập, danh mục đơn vị sự nghiệp công lập của các Bộ, ngành, địa phương và đánh giá hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh thực hiện nhiệm vụ công ích của doanh nghiệp sẽ được cơ quan này lần lượt ban hành trong quý I và II/2017.

Tổng kết quá trình cổ phần hoá 5 năm qua cho thấy, tiến độ sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước còn chậm, Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực không cần nắm giữ 100% vốn hoặc giữ chi phối. Số lượng vốn tại các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã bán ra chỉ chiếm khoảng 8% vốn Nhà nước; hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước còn thấp so với nguồn lực đang nắm giữ…

Nên đọc
Hiền Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo