Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không ép sản xuất bằng mọi giá để mà thua lỗ
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sáng nay 12/8 đã chủ trì họp Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty nhằm rà lại kế hoạch năm 2017, đề ra các biện pháp để hoàn thành mục tiêu đề ra, trong đó tập trung vào mục tiêu tăng trưởng GDP.
Tại phiên họp, Thủ tướng nhấn mạnh chỉ tiêu GDP liên quan đến việc làm, tích lũy, nợ công và nhiều lĩnh vực quan trọng khác. Do đó, “chúng ta phải có những giải pháp, quyết tâm, có những đột phá, quyết liệt hơn ở các cấp, các ngành, các địa phương, các tập đoàn, tổng công ty lớn để đóng góp cho tăng trưởng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo người đứng đầu Chính phủ, để hoàn thành kế hoạch cả năm là tăng trưởng 6,7% thì 6 tháng cuối năm phải đạt 7,42%. Đây là mức tăng trưởng cao, đòi hỏi quyết tâm chính trị lớn, nỗ lực phấn đấu, vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty và người dân. Thủ tướng nêu rõ “đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp, các ngành”.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị tập trung thảo luận vào một số chỉ tiêu như nông nghiệp, lĩnh vực tăng chậm trong 6 tháng đầu năm (chỉ đạt 2,65%). “Như vậy, từ giờ tới cuối năm, có đạt được con số 3,05% không?”, Thủ tướng đặt vấn đề. Để đạt con số này thì 6 tháng cuối năm, ngành nông nghiệp phải đạt tăng trưởng 3,3%. Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu, làm rõ vấn đề này.
Bên cạnh đó, khu vực công nghiệp, xây dựng tăng rất chậm, chưa thể hiện là động lực chính của tăng trưởng GDP như các năm. Muốn cả năm tăng trưởng của ngành này đạt 7,91% thì 6 tháng cuối năm phải đạt khoảng 9,2%. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nòng cốt dự cuộc họp báo cáo cụ thể số liệu, tình hình và giải pháp cho từng ngành, từng lĩnh vực khi mà tăng 1 triệu tấn thép góp phần tăng 0,08% GDP, 1 triệu tấn than là 0,17% GDP.
Thủ tướng nhấn mạnh tăng trưởng sản xuất phải gắn liền với hiệu quả. “Chúng ta đang nói một câu chuyện là không thể ép sản xuất mà không có hiệu quả, ít ra là phải thu hồi vốn, không thua lỗ. Chứ không phải ép sản xuất bằng mọi giá để mà thua lỗ”, Thủ tướng nêu rõ quan điểm. “Mục tiêu tăng trưởng là quan trọng nhưng hiệu quả kinh tế kèm theo cũng quan trọng”.
Đặc biệt, ngành chế biến, chế tạo 6 tháng tăng 10,52%, để đạt mục tiêu kế hoạch 13% thì 6 tháng cuối năm phải tăng 14%. Đây là con số khá cao, vậy giải pháp như thế nào? Thủ tướng cũng lưu ý mục tiêu tăng 11% của ngành sản xuất, phân phối điện có khả thi không?
Ngành xây dựng 6 tháng mới tăng 8,5% trong khi mục tiêu đề ra cả năm là 10,5%. Thủ tướng đề nghị Bộ Xây dựng, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) báo cáo cụ thể về ngành này khi mà “trên thực tiễn, thị trường bất động sản hết sức sôi động”, có nhiều dự án lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân, FDI.
Về các lĩnh vực tiền tệ, tín dụng, đầu tư tài chính, thương mại, Thủ tướng đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có kế hoạch, lộ trình để làm sao bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 21 – 22% được hay không? Đây là kênh rất quan trọng cho phần tăng trưởng. Thủ tướng lưu ý chất lượng tín dụng, xử lý nợ xấu, quản lý chặt chẽ tín dụng bất động sản, bảo đảm chỉ tiêu lạm phát… “giải ngân không được giật cục mà rải đều”.
Về giải ngân vốn đầu tư, một động lực quan trọng cho tăng trưởng, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo tình hình giải ngân đầu tư công, kể cả ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, có giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư tư nhân, đầu tư FDI để đạt tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 34-35% GDP.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Cân nhắc kỹ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững