Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên đường thăm chính thức Mỹ
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn đại biểu Cấp cao Chính phủ Việt Nam rời Hà Nội, lên đường thăm chính thức Mỹ từ ngày 29 - 31/5 theo lời mời của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tham gia đoàn có Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường...
Theo lịch trình, ngày 29-31/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm, làm việc ở New York và thủ đô Washington DC. Tổng thống Donald Trump sẽ gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng hôm 31/5, theo tin tức trên báo Zing news.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ là lãnh đạo Đông Nam Á đầu tiên tới Nhà Trắng kể từ khi chính quyền mới nhậm chức. Theo thông báo hôm 23/5 của Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump mong chờ chuyến thăm và muốn “thúc đẩy hợp tác khu vực với một trong những đối tác quan trọng ở Đông Nam Á". Hai nhà lãnh đạo dự kiến thảo luận những vấn đề hợp tác song phương và khu vực.
Một trong những điểm nhấn của chuyến thăm này là hợp tác thương mại. Khoảng 100 doanh nghiệp tháp tùng Thủ tướng và các doanh nghiệp đều hy vọng có những hợp đồng ký kết cụ thể trong chuyến đi.
Đây là chuyến thăm chính thức tới Mỹ đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng Chính phủ và là cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa một lãnh đạo cấp cao của Việt Nam với Tổng thống Donald Trump kể từ khi hai nước có ban lãnh đạo mới, theo báo Tiền phong.
Chuyến thăm nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế của Việt Nam. Trong đó, Việt Nam nhất quán coi trọng phát triển quan hệ với Mỹ và sẵn sàng hợp tác với chính quyền của Tổng thống Trump phát huy những kết quả đạt được và thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương.
Quan hệ Việt - Mỹ thời gian qua đã đạt được những bước phát triển tích cực trên tất cả các lĩnh vực kể từ khi hai nước xác lập quan hệ Đối tác toàn diện (tháng 7/2013) trên cơ sở tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị và con đường phát triển của nhau.
Về chính trị - ngoại giao, hai bên duy trì, tăng cường mức độ trao đổi đoàn các cấp. Sau khi ông Trump đắc cử, hai bên tiếp tục duy trì các hoạt động trao đổi, tiếp xúc.
Về kinh tế, từ năm 2005, Mỹ đã trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng liên tục ở mức 20% trong những năm gần đây, ước đạt 53 tỷ USD năm 2016, trong đó Việt Nam xuất siêu 30,9 tỷ USD.
Mỹ tuy nhập siêu nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang Việt Nam tăng nhanh ở mức 77%, gấp 4 lần tốc độ tăng của Việt Nam, và xuất siêu về dịch vụ.
Về đầu tư, Mỹ xếp thứ 8/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có FDI tại Việt Nam với 815 dự án, tổng số vốn đăng ký 10,07 tỷ USD. Mỹ xếp thứ 9/68 quốc gia tiếp nhận FDI của Việt Nam với 147 dự án, tổng số vốn đăng ký 571,38 triệu USD.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)