Quốc tế

Thủ tướng Nhật đương đầu rắc rối mới

Tưởng chừng đã lắng xuống, vụ bê bối "chủ nghĩa nhất thân nhì quen" liên quan đến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lại đang trỗi dậy với những tình tiết mới được tiết lộ, gây áp lực lớn đối với ông Abe và một đồng minh thân cận của ông là Bộ trưởng Bộ Tài chính Taro Aso.

Hãng tin Reuters cho biết, đang cầm quyền ở năm thứ 6 liên tiếp, ông Abe đã nỗ lực nhằm gác lại phía sau những câu hỏi xung quanh vụ bán một lô đất thuộc sở hữu nhà nước với mức giá rẻ cho một trường học mà ông chủ là người thân thiết với vợ ông Abe - bà Akie. Tỷ lệ ủng hộ ông Abe đã phục hồi sau đợt giảm sâu vào năm ngoái, nhưng những nghi vấn mới lại nổi lên sau một số tiết lộ mấy ngày gần đây.

Ông Abe khẳng định ông và vợ không hề ưu ái gì Moritomo Gakuen, công ty vận hành trường học mua lô đất trên, và tuyên bố sẽ từ chức nếu tìm thấy bằng chứng nào cho thấy sự ưu ái như cáo buộc. Năm 2017, vụ bê bối đã khiến tỷ lệ ủng hộ ông Abe lao dốc mạnh.

Những hoài nghi về một sự che đậy có thể sẽ xói mòn tỷ lệ ông Abe một lần nữa và làm suy giảm cơ hội nắm thêm một nhiệm kỳ thủ lĩnh đảng cầm quyền Dân chủ tự do (LDP) của ông. Nếu tiếp tục là thủ lĩnh của đảng này, ông Abe sẽ trở thành Thủ tướng Nhật tại vị lâu nhất. Hiện đã có những lời kêu gọi ông Abe từ chức.

Một cuộc khảo sát do tờ báo Yomiuri tiến hành từ ngày 9-11/3 cho thấy tỷ lệ ủng hộ dành cho nội các của ông Abe giảm còn 48%, thấp hơn 6 điểm phần trăm so với cách đây 1 tháng. Tỷ lệ không ủng hộ tăng lên 42% và 80% người được khảo sát nói vụ bê bối đã không được giải quyết một cách hợp lý.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (giữa) và Bộ trưởng Bộ tài chính Taro Aso (phải) - Ảnh: Reuters.

Ông Hiroshi Moriyama - quan chức phụ trách quan hệ với Quốc hội của LDP - nói với các nhà báo về việc được giới chức Bộ Tài chính tiết lộ rằng các tài liệu liên quan đến vụ bán đất gây tranh cãi đã bị thay đổi. Truyền thông Nhật nói việc thay đổi tài liệu này diễn ra vào tháng 2 năm ngoái, sau khi vụ bê bối bị lộ, và những ngôn từ miêu tả "bản chất đặc biệt của thỏa thuận" đã bị xóa cùng với tên của nhiều chính trị gia.

"Nếu đúng là như vậy, thì làm sao có chuyện né tránh được trách nhiệm chính trị, ông Akira Nagatsuma, nghị sỹ cấp cao thuộc đảng đối lập Dân chủ Hiến pháp Nhật Bản, nói hôm chủ nhật.

Ông Yasunori Kagoike, người đứng đầu công ty Moritomo Gakuen, và vợ đã bị bắt vào tháng 7 năm ngoái vì nghi vấn nhận trợ cấp bất hợp pháp.

Hôm thứ Sáu tuần trước, ông Nobuhisa Sagawa, người đứng đầu Cơ quan Thuế Quốc gia Nhật Bản, bất ngờ từ chức vì những phát biểu của ông trước Quốc hội về vụ bê bối trên. Cũng vào hôm thứ Sáu, truyền thông Nhật nói cảnh sát nước này đang điều tra cái chết bị nghi do tự sát của một quan chức Bộ Tài chính có liên quan đến vụ bán đất trên.

"Nếu Bộ trưởng Aso chấp nhận đơn từ chức của ông Sagawa trong khi biết rõ về việc tài liệu bị thay đổi, thì những động thái nhằm buộc ông Aso phải từ chức sẽ là điều tất yếu", ông Yuichiro Tamaki, thủ lĩnh đảng đối lập Dân chủ Nhật Bản, phát biểu hôm Chủ nhật.

 

Ngay cả một số thành viên LDP cũng yêu cầu các chính trị gia liên quan phải chịu trách nhiệm về vụ bê bối. "Chắc chắn là chỉ có các quan chức liên quan mới có thẩm quyền sửa đổi tài liệu", nghị sỹ LDP Shigeru Ishiba, người muốn tranh chức thủ lĩnh đảng với ông Abe, nói vào cuối tuần. "Nếu chúng ta không làm rõ việc này, thì niềm tin trong LDP sẽ suy giảm".

Lên cầm quyền vào tháng 12/2012, ông Abe cam kết sẽ đưa kinh tế Nhật hồi sinh và củng cố nền quốc phòng của nước này. Trước đó, ông đã từng giữ chức Thủ tướng Nhật trong vòng 1 năm và từ chức vào năm 2007 do những vụ bê bối trong nội các.

Trong cuộc bầu cử Hạ viện Nhật vào tháng 10 năm ngoái, LDP giành "siêu đa số" 2/3 số ghế, một phần do phe đối lập gặp khó khăn.

Nên đọc
Theo VnEconomy
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo