Thủ tướng: Phải tìm đến cùng thủ phạm chính gây ra thảm trạng cá chết
Theo đó, tại buổi họp, sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo các bộ và địa phương về biện pháp, hành động và một số kết quả kiểm tra, giám sát hiện tượng cá chết bất thường ở các tỉnh miền Trung trong những ngày vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là sự cố nghiêm trọng về môi trường ở 4 tỉnh miền Trung, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân ven biển. Tuy nhiên, đến nay, nhờ sự chỉ đạo toàn diện, liên tục, chúng ta cơ bản giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, biển đã an toàn hơn.
Thủ tướng chỉ ra một số bất cập như một số địa phương còn chậm trễ trong đề xuất giải pháp xử lý; công tác quản lý môi trường còn nhiều bất cập; chưa có sự phối hợp tốt giữa các bộ, ngành; chưa kịp thời quan trắc nước thải ở một số nhà máy liên quan. Một số đối tượng kích động, lôi kéo quần chúng gây rối, làm phức tạp tình hình.
Cho rằng các bộ, ngành chưa kịp thời xác định, công bố nguyên nhân, Thủ tướng nhìn nhận, đây là sự việc bất thường, lần đầu tiên xảy ra tại nước ta trên vùng biển rộng, nên cần thận trọng, chắc chắn. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các ngành, địa phương không để sự cố môi trường tương tự xảy ra. Các ngành, địa phương phải đảm bảo đời sống của người dân, không để người dân đói, rơi vào tình cảnh quá khó khăn, bảo đảm cho ngư dân ra khơi đánh bắt bình thường.
Thủ tướng tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như Bộ Khoa học công nghệ chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các ngành chức năng, kể cả mời các nhà khoa học nước ngoài để kết luận, làm rõ nguyên nhân. "Xác định đến cùng thủ phạm chính là gì trên tinh thần khách quan, trung thực, thận trọng và khẩn trương", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Bộ Công an khẩn trương thu thập toàn bộ chứng cứ, nếu phát hiện vi phạm có dấu hiệu hình sự thì kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật, không phân biệt tổ chức, cơ quan hay cá nhân nào.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và các địa phương, theo quy định pháp luật, tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất gần biển, không để xảy ra tình trạng xả chất thải vi phạm tiêu chuẩn môi trường. Bộ TN&MT cần có biện pháp quan trắc chủ động, hiện đại hơn để giám sát môi trường. Bộ phải báo cáo kiểm điểm việc đúng sai ống xả thải của Formusa, báo cáo đánh giá tác động môi trường của việc xả thải này.
Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan sớm kết luận xem cá và các loại thuỷ hải sản khác có độc tố hay không, nếu có thì có tác động đến sức khỏe con người hay không để khuyến cáo người dân sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn.
Bộ Công Thương tiếp tục triển khai đồng loạt các giải pháp huy động các doanh nghiệp chế biến trong hệ thống, tiêu thụ kịp thời thu mua hải sản đánh bắt xa bờ; đồng thời phối hợp với Bộ NN&PTNT hình thành khu hỗ trợ cho việc lưu trữ và tiêu thụ hải sản của bà con ngư dân tại tất cả các địa phương trong vùng.
Và đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng kích động, lôi kéo người dân tụ tập, gây rối làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, gây thiệt hại về kinh tế, bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và môi trường đầu tư.
Về một số đề xuất của bộ, ngành, địa phương về các biện pháp hỗ trợ người dân, Thủ tướng đồng ý cấp 4.500 tấn gạo cho ngư dân đánh bắt xa bờ với mức 15 kg/người trong 1 tháng rưỡi; miễn lãi suất 6 tháng đối với ngư dân vay vốn đóng tàu đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67. Các ngành chức năng, các địa phương cần cảnh giác, bảo đảm an ninh an toàn, không để xảy ra mất an ninh trật tự, không để bị động, bất ngờ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo