Thủ tướng yêu cầu xử nghiêm việc đưa tin thiếu trung thực vụ nước mắm
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh nước mắm, nhất là nguyên liệu và quy trình sản xuất. Bộ Công an điều tra và sớm công bố kết quả điều tra vụ việc liên quan đến chất lượng nước mắm do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam công bố vừa qua.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan liên quan thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 9030/VPCP-KGVX ngày 22/10/2016 của Văn phòng Chính phủ.
Vài ngày trước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát, kiểm tra bổ sung liên quan đến chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm nước mắm.
Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cử đại diện tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành với Bộ Y tế, Bộ Công Thương để kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm đối với việc sản xuất kinh doanh nước mắm.
Kết quả kiểm tra cho thấy, 247/247 mẫu nước mắm của 210 nhãn hiệu khác nhau đến từ 82 cơ sở sản xuất không nhiễm thạch tín (Arsen vô cơ), không ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thông tin thêm, sản phẩm nước mắm được lên men từ cá có tồn tại Asen hữu cơ. Asen hữu cơ không gây độc cho người, vì vậy không cần đánh giá mức độ nguy hại và quy định giới hạn tố đa trong thực phẩm. Còn Asen vô cơ hay còn gọi là thạch tín gây độc cho người, do vậy, có quy định giới hạn tối đa trong thực phẩm.
Hiện nay, theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm, hàm lượng Arsen vô cơ tối đa trong nước chấm (gồm cả nước mắm) được quy định là 1mg/kg. Một số khảo sát về hàm lượng Arsen có trong nước mắm sản xuất ở Việt Nam và Thái Lan xuất sang Áo cho thấy tổng Arsen chỉ từ 0,69-2,75mg/l, trong đó chủ yếu là arsenobetaine, một dạng Arsen hữu cơ không độc hại.
Quy định về phụ gia trong sản xuất nước mắm do Việt Nam và Thái Lan đề xuất với Ủy ban tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (Codex), có 17 phụ gia được sử dụng trong sản xuất nước mắm thuộc 6 nhóm: chất điều chỉnh axit, chất điều vị, chất tạo ngọt, phẩm màu, chất ổn định và chất bảo quản.
Bộ Y tế cũng đã ban hành Thông tư 27/2012/TT-BYT và Thông tư 08/2015/TT-BYT quy định 400 phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm, trong đó quy định 17 phụ gia được phép sử dụng trong sản xuất nước mắm hoàn toàn phù hợp với Tiêu chuẩn quốc tế Codex Standard 302:2011. Như vậy, theo quy định hiện hành, trong sản xuất nước mắm có thể sử dụng một hoặc một số phụ gia nằm trong danh sách 17 phụ gia quy định tại hai Thông tư trên.
Một vấn đề cũng gây nhiều tranh cãi trong thời gian vừa qua đó là khái niệm về nước mắm và nước chấm. Hiện nay, chưa có văn vản nào quy định cụ thể về khái niệm nước mắm truyền thống và nước mắm pha chế từ nước mắm truyền thống. Điều này dẫn đến các cách hiểu khác nhau về nước mắm truyền thống. Để đảm bảo minh bạch, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ rà soát Tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm (TCVN 5107:2003) để làm rõ khái niệm nước mắm truyền thống, phân biệt với các loại sản phẩm khác pha chế từ nước mắm.
Đối với nước chấm, trước đây đã có Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 1763:1986) do Bộ Công nghiệp thực phẩm ban hành về nước chấm. Tuy nhiên, Tiêu chuẩn này đã được thay thế bằng Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 1763:2008) về nước tương do Bộ Khoa học công nghệ ban hành. Theo phân loại tại Tiêu chuẩn quốc tế Codex Stan 192-1995, nhóm sản phẩm nước chấm bao gồm nhiều loại khác nhau, trong đó nước mắm được xếp vào nhóm nước chấm trong.Do nguồn nguyên liệu sản xuất nước chấm và nước mắm khác nhau, rủi ro về an toàn thực phẩm khác nhau nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ rà soát, xây dựng tiêu chuẩn riêng về nước chấm và quy định danh mục chỉ tiêu, mức giới hạn an toàn thực phẩm riêng cho nước chấm và nước mắm.
Về phân loại nước mắm, theo Tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm (TCVN 5107:2003), nước mắm có hàm lượng Nitơ toàn phần không nhỏ hơn 25g/l, 20g/l, 15g/l, 10g/l được phân loại tương ứng là loại đặc biệt, loại thượng hạng, loại 1 và loại 2.
Về vấn đề ghi nhãn, kết quả thanh, kiểm tra cho thấy, hiện nay, một số cơ sở sản xuất chỉ thể hiện thông tin về hàm lượng đạm tổng trên nhãn, không công bố hàm lượng đạm axit amin hay đạm amoniac hoặc công bố không trung thực hàm lượng đạm trên nhãn. Ngoài ra, đối với các cơ sở sản xuất nước mắm sử dụng phụ gia thì việc thể hiện các thông tin về các loại phụ gia đã được sử dụng trong quá trình sản xuất nước mắm chưa minh bạch. Cụ thể như thể hiện không đầy đủ các loại phụ gia sử dụng; chỉ thể hiện mã số ký hiệu phụ gia; thể hiện các nội dung trên nhãn không đúng kích cỡ….
Để phù hợp hơn với thực tiễn sản xuất kinh doanh nước mắm hiện nay, đồng thời, đảm bảo thông tin rõ ràng, minh bạch quyền lợi cho người tiêu dùng, thuận lợi cho cơ quan quản lý, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ nghiên cứu, rà soát toàn diện Tiêu chuẩn Việt Nam về nước mắm (TCVN 5107:2003) để làm rõ hơn khái niệm nước mắm truyền thống, quy định cụ thể hơn về phân loại, ghi nhãn và các nội dung khác để đảm bảo phù hợp, hài hòa với Tiêu chuẩn quốc tế Codex stan 302:2011 “Standard for fish sauce”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước sáng 25/11: Vàng nhẫn, vàng miếng SJC đi ngang
Doanh nghiệp gặp khó, VCCI đề nghị giảm thuế VAT hàng hoá dịch vụ xuống 8%
Giá ngoại tệ ngày 25/11/2024: USD có vượt mốc 108 điểm?
Giá nông sản ngày 25/11/2024: Cà phê tiếp tục tăng mạnh, hồ tiêu duy trì ổn định
Giá heo hơi ngày 25/11/2024: Miền Bắc giảm thêm, miền Nam tăng nhẹ
PGBank đẩy mạnh ký kết hợp tác cùng doanh nghiệp địa phương