Thưa Bộ trưởng, bao giờ hết những cái chết ở nhà trẻ?
Thêm một đứa trẻ 20 tháng tuổi ở Nha Trang chết trong ngày đầu tiên đi học, đứa bé chết ở nhà trẻ tư. Sáng bố mẹ đưa con đến gửi, chiều ôm xác con về. Tôi chỉ muốn hỏi ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo một câu: Bao giờ hết những cái chết ở nhà trẻ thế này?
Bản tin cho biết: “Tại cơ sở giữ trẻ gia đình của bà Nguyễn Thị Túy Phượng (ở số 6 đường Phạm Thị Bất, phường Vĩnh Trường, TP.Nha Trang) chiều 11/4 đã xảy ra tai nạn thương tâm khiến một bé gái tử vong.
Nạn nhân là bé Phạm Thị Diệu (20 tháng tuổi), con của vợ chồng anh Phạm Văn Lực và chị Nguyễn Thị Hiến (quê xã Tuy Phước, huyện Phước Hòa, tỉnh Bình Định). Ngày 10/4, hai vợ chồng họ vào Nha Trang để đi làm thợ hồ, mang theo con nhỏ, chẳng có cách nào khác, phải gửi bé Diệu ở nhà trẻ tư. Sáng bố mẹ đưa con đến gửi để kiếm miếng ăn, chiều thì đến ôm xác con về. Cả hai vợ chồng ngất xỉu, phải đưa đi cấp cứu.
Bản tin vắn tắt đó đã đủ chất liệu cho một tấn bi kịch thắt lòng, như một nhát dao cứa vào tim những người làm cha làm mẹ chúng tôi. Giờ thì cái cơ sở giữ trẻ trái phép đó đã bị đình chỉ rồi, giải tán rồi, người giữ trẻ có thể bị truy tố vì đã để cháu bé ngã dẫn đến tử vong. Nhưng làm sao có thể đòi lại tính mạng của một đứa trẻ vô tội mới lẫm chẫm biết đi mà trả về vòng tay cha mẹ nó?
Một đồng nghiệp của tôi đã đau xót thốt lên: “Con cái chúng ta đang phải chịu đựng một nền giáo dục chổng ngược. Trường đại học thừa thãi không kiếm nổi sinh viên, mầm non đất nước thì vứt lăn lóc”.
Một người khác thì bày tỏ cái mong ước đau lòng: “Tôi mà là Chủ tịch tỉnh, tôi cho xây 50 nhà trẻ giá rẻ nữa, xin con vào học thủ tục nhanh gọn, dễ dàng, không phong bì, không khó dễ để không phải có những cái chết đau lòng vì gửi con ở những lớp trẻ tự phát không có đủ điều kiện và kỹ năng bảo vệ trẻ. Bố mẹ sinh con ra, rời quê đi với ưóc mong kiếm tiền cho con cuộc sống tốt hơn. Ước mơ ấy đâu có tội mà phải trả giá đắt thế này”.
Đúng là thế đấy, chúng ta nào có tội tình gì, con cái chúng ta nào có tội tình gì, cái tội duy nhất chỉ là cái sự nghèo, là không có hộ khẩu để vào được trường công, phải đem con gửi vào những chỗ trông trẻ đầy rủi ro thế này.
Nhưng vậy thì ai là người có tội đây? Tôi còn nhớ cách đây vài tháng, khi phát hiện một nhóm trẻ bị hành hạ bạo ngược ở TP. Hồ Chí Minh, người có trách nhiệm về giáo dục ở đó đã ráo hoảnh nói rằng: “Phụ huynh có lỗi vì đã không chịu tìm hiểu kỹ mà đem con tới đó gửi”.
Chao ơi, nếu như tất cả những trường công đủ cơ sở vật chất để rộng cánh cửa đón con cái chúng tôi thì có ai dại gì mà gửi con ở các nhóm trẻ? Nếu mỗi năm, chính quyền địa phương đầu tư xây dựng thêm nhiều nhà trẻ đạt chuẩn thì con cái chúng tôi có bị chết tức tưởi và oan khuất thế này không?
Tôi muốn hỏi ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục đào tạo: Ông nghĩ gì về những cái chết thương tâm, về nạn bạo hành trẻ ở bậc giáo dục mầm non? Bao giờ thì chấm dứt cảnh những đứa trẻ chết ở nhà trẻ thế này?
Nếu khó quá, không thể đưa ra một thời điểm chính xác, thì xin ông phải làm cái gì đi chứ, phải đốc thúc cấp dưới của mình xây dựng một đề án cải thiện chất lượng giáo dục mầm non. Nếu tiền ngân sách không đủ, hãy vận động sự đóng góp của người dân để con cháu của chúng tôi được học hành trong những cơ sở trường ra trường, lớp ra lớp. Chắc chẳng ai nỡ chối từ.
Những đồng tiền thuế của người dân đang bị sử dụng lãng phí, sai mục đích tràn lan, những công trình công sở như lâu đài nguy nga, những công trình bị bỏ hoang thành đống sắt vụn phơi mưa nắng không khó để chỉ mặt. Vậy tại sao trường mầm non, bệnh viện thì lúc nào cũng thiếu thốn, rách nát. Chúng ta đang đầu tư cho tương lai thế nào đây?
Đừng nói với dân nghèo về cái đề án đào tạo 20.000 tiến sĩ với tổng kinh phí lên tới 14.000 tỷ đồng đang bị đánh giá là lãng phí, kém hiệu quả. Chẳng khác gì cầm nắm muối mà xát vào ruột vào gan, khi mà con cái chúng tôi ngày đầu tiên rời vòng tay cha mẹ đi học ở trường mầm non đã chết.
Cái gốc không lo, đi lo cho cái ngọn, đặt một con voi khổng lồ lên cái bệ bằng đất sét, lên một cái nền giáo dục đang rất có vấn đề về kiến thức căn bản, về tính nhân văn thử hỏi để làm gì?
Tôi thấy buồn bã vô cùng khi nhớ lại cách đây không lâu, lãnh đạo Bộ Giáo dục đào tạo đã hồ hởi gọi Đề án đổi mới giáo dục là “ một trận đánh lớn”. “Bước vào trận đánh, từ tướng lĩnh đến binh lính phải quyết tâm, tin và chiến thắng, sẵn sàng trả giá” (nguyên văn lời lãnh đạo Bộ đã nói thế này).
Nào biết ai là người thắng trận ở đây, chỉ biết dân nghèo đang thua rồi đó, đang thua đau và phải trả giá bằng tính mạng con cái mình.
End of content
Không có tin nào tiếp theo