Thúc đẩy đàm phán Hiệp định RCEP
Nhằm tăng cường, mở rộng hội nhập kinh tế trên cơ sở quan hệ hợp tác tích cực hiện có giữa ASEAN (gồm: Brunei, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam ) và 6 nước đối tác là Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và New Zealand, bắt đầu từ năm 2013 các bên liên quan đã tiến hành các cuộc đàm phán về một thỏa thuận có tên Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP).
Các đối tác tham gia đàm phán Hiệp định RCEP sẽ tạo ra một "sân chơi" mới, chiếm 45% dân số thế giới với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chiếm khoảng 1/3 tổng GDP của toàn cầu hiện nay, giúp thúc đẩy tăng trưởng thương mại và đầu tư trong khu vực.
Qua gần 5 năm đàm phán, các bên mới chỉ nhất trí được 2 trong số 18 điều khoản cần thống nhất, do còn những bất đồng liên quan đến vấn đề về quy mô và phương thức đàm phán.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục tăng thuế nhập khẩu nhằm vào các đối tác thương mại với lý do vì an ninh quốc gia, làm gia tăng nguy cơ chiến tranh thương mại, gây tổn hại tới nền kinh tế toàn cầu, ngày 1/7, 16 Bộ trưởng các nước ASEAN và 6 đối tác đã họp tại Tokyo (Nhật Bản) để đẩy nhanh quá trình đàm phán tiến tới một thỏa thuận tự do thương mại chung cho toàn khối – Hiệp định RCEP.
Cuộc đàm phán lần này do Nhật Bản và Singapore đồng chủ trì. Các bên mong muốn sớm thu hẹp những bất đồng và kết nối những điểm khác biệt trong các lĩnh vực như giảm thuế quan, tài sản trí tuệ và thương mại điện tử nhằm sớm đạt thỏa thuận về Hiệp định RCEP.
Phát biểu trước khi bắt đầu cuộc họp, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ ngày càng gia tăng, có nguy cơ ảnh hưởng tới các nền kinh tế, các cuộc họp đàm phán Hiệp định RCEP càng gây chú ý hơn và được xem như cơ hội kiểm chứng các quốc gia châu Á có thể đoàn kết, bảo vệ chủ nghĩa tự do thương mại hay không.
Đồng thời, Thủ tướng Abe cũng kêu gọi thiết lập một thị trường tự do, công bằng và dựa trên các luật định.
Việc các thành viên tham gia đàm phán với sự trông đợi Hiệp định RCEP sớm ra đời sẽ hình thành khuôn khổ ổn định, thống nhất, tạo thuận lợi và thúc đẩy hơn nữa luồng lưu chuyển thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư trong khu vực.
Điểm đáng chú ý khác, đối với các doanh nghiệp trong khu vực, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ - chiếm hơn 90% tổng số doanh nghiệp trong khu vực, với Hiệp định RCEP ra đời sẽ giúp họ tiến hành các hoạt động thương mại thuận lợi hơn, tiếp cận được các nguồn lực mới từ bên ngoài, phát huy thế mạnh của từng doanh nghiệp, tăng cường tham gia vào các chuỗi giá trị trong khu vực.
Bởi vậy, việc kết thúc đàm phán Hiệp định RCEP sẽ truyền đi thông điệp rõ ràng, nhất quán về chính sách mở cửa, tăng cường hội nhập kinh tế của các nước trong khu vực, góp phần tăng thêm sức hấp dẫn của nền kinh tế các nước thuộc Hiệp định RCEP.
End of content
Không có tin nào tiếp theo