Xã hội

Thúc đẩy phát triển công tác xã hội ở Việt Nam

Hiện tại Việt Nam, số người cần trợ giúp các dịch vụ công tác xã hội rất lớn ở mọi lứa tuổi, trình độ.

Trong khuôn khổ chương trình Ngày Công tác xã hội thế giới lần thứ 16, ngày 10/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, Hiệp hội Dạy nghề và Nghề công tác xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo "Thực tiễn và hội nhập trong phát triển công tác xã hội ở Việt Nam".

 
Hiện nay, tại Việt Nam số người cần trợ giúp các dịch vụ công tác xã hội rất lớn, trong đó có gần 9 triệu người cao tuổi, 6,7 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn cùng hàng triệu cá nhân, gia đình khác.
 
Theo Tiến sỹ Bùi Thị Xuân Mai, Trưởng khoa công tác xã hội, Đại học Lao động Xã hội, hiện nay, cả nước có hơn 400 cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội, số lượng đó còn rất ít, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Chính vì vậy, việc đào tạo đội ngũ cung cấp dịch vụ công tác xã hội một cách chuyên nghiệp là cấp bách.
 
Tiến sỹ Bùi Thị Xuân Mai cho biết: “Trong định hướng của Nhà nước sắp tới cũng như kinh nghiệm quốc tế là làm sao Nhà nước đóng vai trò giám sát, còn cung cấp dịch vụ là của nhiều tổ chức dịch vụ xã hội. Thế nên, một trong những điều cần phải thay đổi nhiều là trình độ của cả nơi cung cấp dịch vụ, các công tác quản lý giám sát vai trò của Nhà nước và vai trò của hệ thống dịch vụ của các tổ chức xã hội cũng rất quan trọng cho cung cấp dịch vụ ở Việt Nam hiện nay”.
 
Tại Hội thảo, các đại biểu thảo luận về thực trạng đào tạo công tác xã hội tại các trường đại học cao đẳng. Đến nay, sau 3 năm có khoảng 20 trường đào tạo nghề đã hình thành bộ môn hoặc khoa dạy nghề công tác xã hội. Tuy nhiên, công tác đào tạo công tác xã hội tại các trường đại học, cao đẳng mới chỉ chú trọng đến số lượng; chưa gắn giữa đào tạo lý thuyết và thực hành, chưa có sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo với các cơ sở, đơn vị sử dụng nguồn nhân lực công tác xã hội được đào tạo.
 
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Khắc Bình, Chuyên viên cao cấp, Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục- Đào tạo nêu giải pháp: “Ngoài thời gian học tập thì hiện nay thời gian thực hành của sinh viên rất ít. Bên cạnh đó, việc quản lý thời gian thực hành ở các cơ sở còn nhiều bất cập. Vì vậy muốn trở thành nhân viên công tác xã hội, trong thời gian học tập tại nhà trường, sinh viên phải đi đến các trung tâm công tác xã hội trong các lĩnh vực thực hành và làm thực thụ như một nhân viên công tác xã hội để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. Từ đó, sinh viên quay lại trường thi, hay làm đồ án tốt nghiệp thì sẽ làm rất tốt. Khi ra trường, sinh viên không còn bỡ ngỡ và đạt được yêu cầu công việc về công tác xã hội./.
Theo VOV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo