Thực phẩm bẩn Trung Quốc: Khủng hoảng lòng tin
Phát hiện mới nhất là túi trà Lipton của Tập đoàn Unilever chứa dư lượng thuốc trừ sâu quá mức cho phép. Ngày 24/4, Hòa Bình Xanh, một tổ chức bảo vệ môi trường chi nhánh Đông Á, tuyên bố họ đã phát hiện methonyl trong trà lài, trà xanh và trà Ô Long dạng túi lọc mang nhãn hiệu Lipton mua ngẫu nhiên tại các siêu thị ở Bắc Kinh.
Methonyl là thuốc trừ sâu cấm dùng trong ngành trồng trà, có thể làm tổn hại hệ nội tiết hoặc hệ sinh sản của nam giới.
Sống trong nỗi lo ngộ độc
Vào đầu tháng 4, một số sản phẩm của nhiều hãng trà hàng đầu Trung Quốc cũng bị Hòa Bình Xanh phát hiện nhiễm thuốc trừ sâu độc hại. Tổ chức này đã mua 18 loại trà xanh, trà lài và trà Ô Long của 9 hãng trà ở Bắc Kinh, Tứ Xuyên và Hải Nam đem xét nghiệm với kết quả tất cả đều có dư lượng thuốc trừ sâu quá mức cho phép.
Văn phòng Unilever ở Thượng Hải lập tức bác bỏ cáo buộc của Hòa Bình Xanh. Unilever khẳng định sản phẩm của họ hợp chuẩn Trung Quốc và đã được kiểm định đàng hoàng. Tuy nhiên, họ không đưa ra lời giải thích nào về những trường hợp cụ thể nói trên.
Hàng loạt vụ bê bối mới đây càng làm cho người tiêu dùng Trung Quốc hoang mang, mất lòng tin vào hàng nội, từ thực phẩm đến dược phẩm. Minh chứng mới nhất là một trang web cảnh báo thực phẩm độc hại đã sập mạng hôm 3/5 vì có quá nhiều người (350.000 lượt) truy cập tìm hiểu. Nó chỉ được phục hồi sau khi được tăng cường thêm một máy chủ.
Trang web có tên “Trì xuất song ngoại” (ném qua cửa sổ) ghi nhận 2.300 vụ bê bối về an toàn thực phẩm ở Trung Quốc từ năm 2004, mô tả chi tiết từng vụ việc, số nạn nhân, nơi diễn ra, theo đó Bắc Kinh chiếm đầu bảng nơi có nhiều thực phẩm bẩn nhất, Thượng Hải đứng hạng 4.
Tác giả trang web là Ngô Hằng, 26 tuổi, sinh viên cao học Khoa Sử Trường Đại học Phục Đán, Thượng Hải. Bức xúc trước những vụ bê bối lớn như sữa nhiễm melamine, thịt heo chứa clenbuterol, dầu ăn nước cống..., tháng 6/2011, họ Ngô đã hoãn thi tốt nghiệp một năm để dành thời gian thiết lập trang web nói trên giúp người tiêu dùng nắm được mức độ nghiêm trọng của vấn đề và yêu cầu chính quyền hành động cấp tốc để cải thiện tình hình.
Phát biểu trên Nhật báo Thượng Hải, họ Ngô bức xúc: “Tôi rất bất bình vì tình hình chẳng được cải thiện gì cả so với năm ngoái. Tôi rất thích ăn sữa chua đặc nhưng từ khi nghe nó làm bằng gelatin công nghiệp chứa crôm, thỉnh thoảng tôi mới ăn một lần”.
Hàng ngoại hưởng lợi
Sữa bột trẻ em ngoại tràn ngập thị trường Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Sự kiện sữa nhiễm melamine đã gây thiệt hại nặng cho ngành công nghiệp sữa Trung Quốc. Người tiêu dùng trong nước sợ hãi sữa bẩn nội địa đã quay sang hàng ngoại. Chị Lưu Sóc, 30 tuổi, nhân viên một công ty nước ngoài ở Bắc Kinh có một đứa con 2 tuổi, giải thích: “Tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài sữa ngoại. Sữa bột trẻ em Trung Quốc luôn luôn dính xì-căng-đan cho nên tôi không còn tin hàng nội”.
Chị Lưu Sóc là một trong hàng chục triệu lao động thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc (dự kiến đạt 100 triệu năm 2015) có xu hướng nuôi con bằng sữa bột. Thị trường sữa bột trẻ em ở Trung Quốc trị giá 30 tỉ USD là nhờ số khách hàng này.
Sau xì-căng-đan sữa bột trẻ em nhiễm melamine liên quan đến hầu hết các hãng sữa Trung Quốc, kể cả những “đại gia” như hãng Mengniu (Mãnh Ngưu), sữa bột trẻ em của các hãng ngoại như Pfizer (SMA, Promil, S-26), Mead Johnson, Danone (Dumex) và Abbott bán chạy như tôm tươi.
Hấp dẫn bởi tiềm lực thị trường sữa bột trẻ em Trung Quốc (16 triệu bé chào đời mỗi năm, dự kiến năm 2016 đạt 16 tỉ USD, tăng gấp đôi hiện nay), lợi dụng tâm lý chán ngán sữa nội của người Trung Quốc, tháng 4 vừa qua, hãng sữa Thụy Sĩ hàng đầu thế giới đã bỏ ra 11,9 tỉ USD mua lại các sản phẩm của công ty kinh doanh thực phẩm trẻ em Pfizer bán ở Trung Quốc để giành giật thị trường béo bở này từ tay Mead và Danone.
Nhiều thầy thối ma
Công bằng mà nói thì chính quyền Trung Quốc các cấp đã nhận thức được tính nghiêm trọng của vấn đề và từng đề ra nhiều biện pháp nhằm cải thiện tình hình. Đầu tháng rồi, Phó Thủ tướng Lý Khắc Kiệt đã chỉ đạo thiết lập một cơ chế kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm dài hạn đồng thời trừng phạt thật nghiêm những kẻ có tội.
Tổng cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc (SFDA) cũng đang chỉnh sửa quy chế sử dụng phụ gia, yêu cầu chính quyền các cấp tăng cường việc kiểm tra chất phụ gia, kể cả thuốc kháng sinh. Chính quyền Thâm Quyến hứa sẽ thưởng 500.000 tệ (1 tệ = 3.300 đồng) cho ai phát hiện thực phẩm không an toàn.
Tuy nhiên, cũng có một thực tế khác là có quá nhiều cơ quan trực thuộc các bộ chịu trách nhiệm về vấn đề an toàn thực phẩm, bao gồm cả Bộ Nông nghiệp và Bộ Y tế. Khi đụng chuyện, bộ này chỉ qua bộ kia, né tránh trách nhiệm.
Cũng vì chuyện quản lý chồng chéo, các biện pháp thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm không hữu hiệu. Hơn nữa, chính những người trong ngành tư pháp xác nhận các tội phạm không bị trừng phạt đích đáng. Trừ những vụ án điểm như vụ sữa nhiễm melamine năm 2008 có 2 án tử hình, hầu hết các vụ án khác đều được xử nhẹ.
Theo NLĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo