Hi-tech

Thuê ngoài dịch vụ CNTT: Bao giờ cởi được nút thắt?

Với việc đã được Chính phủ chính thức "bật đèn xanh", thị trường thuê ngoài dịch vụ CNTT Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn hơn bao giờ hết để có thể cất cánh. Nhưng liệu các doanh nghiệp có thể tận dụng được thời cơ "ngàn năm có một" này để biến triển vọng đó thành hiện thực hay không, hay những lý do cố hữu từ cơ chế, xã hội lẫn bản thân doanh nghiệp một lần nữa lại kéo lùi guồng quay?

Những cái khó muôn thuở

Để trả lời câu hỏi này một cách thấu đáo, có lẽ nên bắt đầu từ những khó khăn và thách thức thực tế mà các nhà cung cấp dịch vụ thuê ngoài CNTT đang gặp phải tại Việt Nam. Và rõ ràng, thực tế đó không giống như một bức tranh toàn gam màu tươi sáng mà người ta có thể hình dung ra sau khi đọc hết Kỳ I của chính bài viết này.
 
Ông Nguyễn Xuân Hoàng (TGĐ Misa) tiếp Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son.
 
Hiện tại, thị trường thuê ngoài dịch vụ CNTT tại VN còn rất nhỏ bé, bởi khách hàng chủ yếu vẫn tuân theo truyền thống tự đầu tư, tự vận hành hệ thống. Các doanh nghiệp đang hình thành theo 3 hướng: 1. Dịch vụ bảo trì, bảo dưỡng hệ thống CNTT, quản trị mạng. Theo một số chuyên gia, đây đang là lĩnh vực có quy mô lớn nhất, cỡ 4000-5000 tỷ đồng/năm, trong đó chủ yếu là bảo trì, bảo dưỡng hệ thống ATM, POS, hệ thống máy chủ lớn, hệ thống lưu trữ, hệ thống mạng và bảo mật; 2. Dịch vụ quản trị hệ thống Ứng dụng CNTT lớn như vận hành, quản trị, hỗ trợ các hệ thống Core Banking cho ngân hàng, hệ thống Thuế thu nhập cá nhân, hệ thống cấp phát ngân sách, kho bạc quốc gia TABMIS; 3. Dịch vụ cho thuê phần mềm trên đám mây (Các phần mềm kế toán, ERP, quản lý bán hàng, quản lý khách sạn, bệnh viện....).
 
Hầu hết các đại gia công nghệ của VN như FPT, Viettel, VNPT, CMC... đều đã tham gia vào thị trường này, tuy nhiên, quy mô đầu tư chưa thực sự lớn và sự "dấn thân" cũng chưa thể gọi là quyết liệt như ở một số mảng thị trường khác.
 
Theo như giải thích của chính ông Đỗ Cao Bảo - Chủ tịch HĐQT Công ty Hệ thống Thông tin FPT - một "người trong cuộc" thì khó khăn lớn nhất nằm ở nhận thức của bản thân "khách hàng", của các cơ quan Nhà nước, của xã hội về việc thuê ngoài dịch vụ CNTT. Họ có thấy cần phải đi thuê ngoài hay không, có nhận ra những điểm lợi của giải pháp này so với cách thức vận hành quản lý hay không là cả một vấn đề.
 
Phân tích rõ hơn về câu chuyện "nhận thức" này, ông Nguyễn Xuân Hoàng, TGĐ Công ty Misa cho rằng, hầu hết chúng ta vẫn theo lối tư duy "phải sở hữu, nhìn thấy, phải cầm, nắm thì mới an tâm", trong khi việc thuê dịch vụ CNTT thì chỉ tập trung vào mục tiêu đáp ứng nhu cầu chính là cho phép người thuê sử dụng mà không sở hữu. Đặc biệt đối với các dịch vụ thuê theo mô hình Cloud thì người dùng chỉ có thể truy cập vào sử dụng mà hoàn toàn không được nhìn thấy máy móc trang thiết bị, cũng không biết những hệ thống mình sử dụng đặt ở đâu, được vận hành như thế nào. Điều này tạo ra tâm lý e ngại cho nhiều cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp khi đi thuê dịch vụ CNTT.
 
Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho thuê cũng có những khó khăn "tự thân" như trước kia, đa số khách hàng chỉ cần xây dựng hệ thống là xong, không cần quản trị. Nhưng nay thì doanh nghiệp sẽ phải cần đến một đội ngũ nhân lực rất lớn để duy trì, vận hành dịch vụ. Hơn nữa, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ tiền để đầu tư cho một hệ thống lớn để cho thuê, cũng như để đảm bảo cho dịch vụ của mình vận hành trơn tru, suôn sẻ, không có sự cố.
 
Cần lắm một cơ chế
 
Nhưng hơn tất thảy, ai cũng hiểu rằng một thách thức lớn không kém, một vấn đề đau đầu không kém, thậm chí có thể coi là mấu chốt thành bại của thị trường, lại nằm ở... cơ chế, ở hành lang pháp lý. Một thị trường mới có thể phát triển được hay không, và sự phát triển đó là lành mạnh hay yếu ớt, ổn định hay lệch lạc... phụ thuộc rất lớn vào bài toán cơ chế và chính sách quản lý từ phía Nhà nước, mà thị trường viễn thông với sự phát triển nhảy vọt nhờ quyết định "mở cửa" chính là minh chứng khó chối cãi nhất.
 
Trên thực tế, không phải lúc này các nhà hoạch định chính sách mới đề cập đến một Nghị định về thuê ngoài dịch vụ CNTT. Vấn đề này thực ra đã nằm trên bàn của Vụ CNTT (Bộ TT&TT) từ vài năm nay, song do nhiều lý do vẫn chưa thể hoàn thiện và đi đến phê duyệt.
 
Chia sẻ thẳng thắn, ông Tống Viết Trung, Phó Tổng Giám đốc Viettel nhấn mạnh rằng hợp tác công tư (PPP) hoặc thuê ngoài dịch vụ CNTT đều là cách tiếp cận mới mẻ, hứa hẹn, song một mô hình kinh doanh mới trước hết phải được cơ quan Nhà nước ứng dụng mạnh thì mới có thể thu hút, kêu gọi được sự hưởng ứng từ doanh nghiệp, từ xã hội. Nhưng cơ quan Nhà nước lại là đối tượng khách hàng rất đặc thù, làm gì cũng phải theo cơ chế, phải có thông tư hướng dẫn chứ không thể "muốn thì vượt rào". Nói cách khác, nếu như không có Nghị định về thuê ngoài dịch vụ CNTT, các cơ quan Nhà nước sẽ vẫn loay hoay với đủ câu hỏi: Làm cách nào, làm ra sao.
 
Và tất nhiên, Nghị định cũng sẽ tạo hành lang pháp lý cho bản thân nhà cung cấp dịch vụ để họ hoạt động đúng hướng, yên tâm đầu tư. Tuy nhiên, sau nhiều năm rập rình, Nghị định này "không rõ đang vướng ở đâu", ông Trung nêu thắc mắc.
 
"Nhà nước chưa có định hướng và cơ chế khuyến khích việc thuê sử dụng dịch vụ CNTT nên các đơn vị khi mua sắm vẫn yêu cầu phải mua đứt bán đoạn, thanh toán một lần. Việc chưa có tư duy thanh toán theo định kỳ gây khó khăn rất lớn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ", ông Nguyễn Xuân Hoàng phân tích rõ hơn.
 
Trong khi đó, ông Đỗ Cao Bảo lại chỉ ra một thực tế là một số tổ chức, cơ quan Nhà nước thấy chủ trương thuê dịch vụ được ủng hộ nên cũng quyết định chuyển sang một hệ thống mới mà quên mất là cơ chế tài chính... chưa có kịp. Việc chưa có thủ tục, quy trình để trả tiền định kỳ theo tháng/theo quý/theo năm dẫn tới tình trạng hệ thống đã hoạt động nhưng khách hàng lại không có tiền để trả. "Hiện cơ quan nào cũng có kinh phí thường xuyên để đảm bảo hoạt động nghiệp vụ của họ nhưng lại chưa có kinh phí hoặc quy trình pháp lý, pháp nhân để trả cho dịch vụ thuê ngoài khi đến kỳ thanh toán".
 
Phải có bàn tay liên Bộ
 
Liên quan đến vấn đề cơ chế, đại diện của Vụ CNTT khẳng định, Bộ TT&TT hoàn toàn ủng hộ chủ trương thuê ngoài dịch vụ CNTT. Nội dung này cũng đã được đề cập đến trong dự thảo Chương trình phát triển Công nghiệp CNTT Việt Nam đến năm 2020, theo đó, Bộ sẽ điều tra, khảo sát, xây dựng danh mục các dịch vụ CNTT trong cơ quan Nhà nước được ưu tiên thuê ngoài, đầu tư xây dựng hệ thống thông tin về dịch vụ CNTT để kịp thời cung cấp thông tin tham khảo cho các cơ quan nhà nước có nhu cầu, hỗ trợ đánh giá, lựa chọn các tổ chức, doanh nghiệp có đủ điều kiện, năng lực cung cấp dịch vụ cho các cơ quan Nhà nước.
 
Thậm chí, dự thảo còn nhắc đến ý tưởng đầu tư nguồn lực để "hình thành nên các đơn vị công nghệ chuyên nghiệp, có đủ năng lực và sẵn sàng cung cấp dịch vụ CNTT cho các cơ quan Nhà nước", mà điển hình là Viettel đang xây dựng những trung tâm khai thác mạnh theo hướng này. Việc các cơ quan Nhà nước đẩy mạnh thuê ngoài dịch vụ CNTT, ưu tiên sử dụng dịch vụ do doanh nghiệp nội cung cấp được xác định là một trong những nhóm giải pháp mang tính "đột phá" để hình thành nên một ngành công nghiệp CNTT mạnh sau 6 năm nữa.
 
Tuy nhiên, một vấn đề lớn mà Nghị định đang vướng phải chính là cơ chế định giá chưa rõ ràng. Đối với các trang thiết bị, vật tư, hệ thống... có thể tạm thời định lượng để ra giá thành bình quân, nhưng dịch vụ lại là một phạm trù khác, rất khó để xác định xem mức độ phức tạp của ứng dụng này ra sao, tương ứng với giá thành như thế nào.
 
Đồng cảm với chia sẻ này từ Vụ CNTT, ông Đỗ Cao Bảo cho rằng đây không chỉ là trách nhiệm của riêng Bộ TT&TT mà còn của cả Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch & Đầu tư. "Mọi người cứ nghĩ đơn giản là đi thuê ngoài dịch vụ thì không cần vốn nhưng thực ra là chỉ không cần vốn ban đầu mà thôi. Còn sau này, khi hệ thống đi vào hoạt động thì vẫn phải có tiền để trả cho nhà cung cấp dịch vụ, hàng tháng, hàng quý, hàng năm. Do đó, Bộ Tài Chính và Bộ KH & ĐT cần ra được văn bản hướng dẫn xem tiền từ đâu ra : Không phải tiền đầu tư thì thủ tục sẽ như thế nào? Kinh phí sẽ nằm ở nguồn nào?".
 
Nói cách khác, cơ cấu tiền để trả đang là bài toán mà các cơ quan Nhà nước quan tâm nhất tại thời điểm này. Một tổ chức nhỏ thuê chỉ vài chục triệu thì không sao nhưng sau này quy mô lớn, hàng tỷ/năm thì tiền ở đâu ra? Thủ tục thanh toán thế nào, nằm ở nguồn chi phí thường xuyên hay chi phí nào? Nếu là hạng mục đầu tư thì kinh phí từ đâu? Vô vàn những câu hỏi đang ngăn trở các cơ quan Nhà nước - kể cả mạnh dạn nhất - thử nghiệm thuê ngoài dịch vụ.
 
Cũng "hiến kế" cho các nhà hoạch định chính sách, ông Nguyễn Xuân Hoàng đề xuất cần có một cơ chế cho phép mua dịch vụ theo hình thức thuê bao hàng năm, đồng thời, cơ quan quản lý cần sớm ban hành một số tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn phương pháp đánh giá, lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ. Thứ ba, tạo ra cơ sở pháp lý là những tài sản thông tin, dữ liệu phải thuộc sở hữu của khách hàng, đặc biệt là với các dịch vụ Cloud. Khi đó, khách hàng hoàn toàn có thể chuyển đổi nhà cung cấp dịch vụ mà không bị mất dữ liệu. Như vậy, không cần thiết phải quản lý nhà cung cấp dịch vụ cloud theo hình thức cấp phép. Ông Hoàng cũng tin rằng việc Chính phủ sớm ban hành các quy định khuyến khích, hướng dẫn việc mua sắm tài sản CNTT theo hình thức thuê ngoài dịch vụ sẽ tạo ra cú hích cần thiết để thị trường này cất cánh và phát triển mạnh, bởi khối cơ quan Nhà nước là những khách hàng khó dám "vượt rào quy trình" nhất.
 
Tại phiên họp toàn thể đầu tiên của Ủy ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương thực hiện thuê dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan Nhà nước; giao lãnh đạo các Bộ Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Văn phòng Chính phủ khẩn trương chuẩn bị trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cơ chế, chính sách để thực hiện thuê dịch vụ dịch vụ công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước.
 
Bất cứ một công nghệ mới nào cũng cần có thời gian, cũng đòi hỏi một quá trình từ lúc được chấp nhận trong đời sống cho tới khi được ứng dụng rộng rãi. Điều mà thị trường thuê ngoài dịch vụ CNTT Việt Nam cần lúc này không chỉ là một tư duy mở, thông thoáng của cơ quan hoạch định chính sách, mà quan trọng hơn, những ứng dụng, những dịch vụ CNTT "made-in-Việt Nam" có thực sự ưu việt, đạt chất lượng ngang bằng với doanh nghiệp ngoại hay không.
 
Việc thuyết phục khách hàng lựa chọn dịch vụ nội không thể áp đặt bằng quản lý hành chính, mà trước hết, những sản phẩm nội phải ghi điểm được với người dùng cái đã. "Bạn luôn cần một món ăn thực sự ngon để chinh phục khách hàng. Chỉ nên coi những chính sách ưu đãi, hỗ trợ từ phía Nhà nước giống như gia vị gia giảm cho món ăn mà thôi", một chuyên gia công nghệ ví von. Bản thân Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong một lần chia sẻ gần đây cũng khẳng định rằng, Chính phủ hoàn toàn trung lập về công nghệ và chính thị trường sẽ quyết định lựa chọn xu hướng nào. Việc mà Chính phủ làm chỉ là xây dựng những cơ chế để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp chứ không áp đặt, ép buộc xã hội, cơ quan tổ chức phải lựa chọn sản phẩm nào cả.
 
Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo