Thị trường

Thuế nhập ôtô ASEAN về 0%, ngân sách "mất" hơn 22.000 tỷ đồng

(DNVN) - Ngân sách có thể giảm thu khoảng 22.256 tỷ đồng trong 5 năm (từ 2018-2022) do tác động của việc giảm thuế suất ATIGA xuống 0% đối với xe ôtô nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN.

Đây là thông tin được Bộ Tài chính đưa ra trong Dự thảo văn bản về Chính sách thuế nhập khẩu linh kiện ôtô giai đoạn 2018 - 2020 của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ.

Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính cho biết, kim ngạch nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ ASEAN năm 2016 đạt 38.000 xe, trong đó tập trung chủ yếu vào các dòng xe bán tải (pick up) đạt khoảng 27.000 xe/năm, ô tô con chủ yếu là xe dưới 4 chỗ khoảng 7.600 xe/năm (dung tích xylanh dưới 1500cc, thương hiệu Suzuki, Mitsubisi, Toyota từ Thái Lan), ô tô tải nhẹ khoảng 3.500 xe/năm (trong đó xe tải dưới 5 tấn là 2.300 xe). Tỷ lệ tăng trưởng nhập khẩu năm 2016 so với năm 2015 của xe dưới 9 chỗ là 47% (về lượng) và 53% (về trị giá); xe tải dưới 5 tấn là 31% (về lượng) và 42% (về trị giá).

Ngân sách thất thu trên 22.000 tỷ khi thuế nhập ôtô ASEAN về 0%.

Từ năm 2018, khi thuế nhập khẩu đối với xe con giảm từ 30% xuống 0%, xe tải nhẹ và xe pick up giảm từ mức 5% xuống 0% thì dự kiến tỷ lệ tăng trưởng NK đối với dòng xe dưới 9 chỗ sẽ tăng trên 40%/năm và dòng xe tải dưới 5 tấn (bao gồm cả xe pick up) là 30%. 

Theo đó, dự kiến số thu thuế nhập khẩu đối với xe ô tô nguyên chiếc từ ASEAN dự kiến giảm hàng năm tương ứng như sau: xe dưới 9 chỗ giảm cho giai đoạn 2018 – 2022 là 13.069 tỷ đồng, xe tải dưới 5 tấn và xe pickup là 9.187 tỷ đồng. Tổng giai đoạn 2018-2022 cho cả 02 nhóm xe chở người dưới 9 chỗ và xe tải dưới 5 tấn (bao gồm cả xe pickup) là 22.256 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, trường hợp Chính phủ không thực hiện phương án giảm thuế nhập khẩu linh kiện để giúp các doanh nghiệp trong nước tăng sản lượng thì số thu thuế nhập khẩu đối với xe ô tô nguyên chiếc cũng sẽ giảm khoảng 22.256 tỷ đồng trong 5 năm 2018-2022 do tác động của việc thực hiện cam kết trong Hiệp định ATIGA (thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN giảm từ 30% và 5% xuống 0%).

Trong khi đó, nếu thực hiện giảm thuế nhập khẩu MFN đối với linh kiện ô tô thì các doanh nghiệp trong nước sẽ tăng sản lượng sản xuất lắp ráp xe ô tô nguyên chiếc trong nước. Lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước tăng lên thì sẽ giảm bớt được nhu cầu nhập khẩu xe nguyên chiếc từ ASEAN (số thuế nhập khẩu đối với xe ô tô nguyên chiếc giảm ít hơn).

Cũng theo Bộ Tài chính, việc giảm thuế nhập khẩu đối với linh kiện ôtô cũng làm giảm số thu thuế nhập khẩu nhưng số giảm thu (giảm từ 14% xuống 0%) sẽ ít hơn so với số giảm thu từ việc giảm thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc (giảm từ 30% xuống 0%), đồng thời số thu NSNN sẽ được bù đắp một phần do tăng thu từ thuế TNDN và còn có các tác động gián tiếp tích cực đến kinh tế xã hội trong nước.

 

Mặt khác, theo Bộ Tài chính, nếu Chính phủ thực hiện phương án giảm thuế nhập khẩu linh kiện thì sẽ góp phần tích cực về bảo đảm an ninh xã hội tại địa phương nơi có nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô (lao động có việc làm và thu nhập của người lao động ổn định); góp phần phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Đồng thời góp phần ổn định việc làm và thu nhập của hàng chục ngàn lao động trong ngành công nghiệp ô tô (số lượng lao động hiện nay của 3 doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia chương trình như sau: Trường hải là 22.000 lao động trực tiếp và 60.000 lao động gián tiếp; Công ty Thành Công: hiện tại 3000 lao động dự kiến sẽ phải tăng lên hàng năm nếu quy mô sản xuất mở rộng 5.000 lao động; Công ty Toyota là 1.768 lao động trực tiếp và 410 lao động gián tiếp)...

Nên đọc
Hòa Lộc
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo