Pháp luật

Thuốc giả tràn lan, xử lý không xuể

Sử dụng thuốc để phòng và chữa bệnh nhưng với nạn thuốc giả đang khó kiểm soát và có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây, uống thuốc đang đồng nghĩa với việc rước thêm bệnh và các mối nguy khác vào cơ thể.
Nếu các loại thuốc điều trị rối loạn chức năng sinh lý, thuốc kích dục giả như Viagra, Cialis được nhập lậu theo đường tiểu ngạch từ Trung Quốc thì các loại thuốc giả còn lại chủ yếu được sản xuất ngay trong nước.
 

Vài người lợi, vạn người nguy

 

Đối tượng làm hàng giả đều có hiểu biết về y dược, không ít trong số đó là trình dược viên hoặc nhân viên của các Cty dược. Chỉ cần chịu khó quan sát, các đối tượng trên có thể dễ dàng “chế” thuốc giả y chang thuốc thật.

 

Phạm Thị Việt Tú (SN 1981, trú tại Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội) đã kiếm lợi hàng chục triệu đồng một cách đơn giản như vậy. Không học y dược nhưng chỉ sau thời gian cộng tác bán hàng cho một số Công ty kinh doanh dược phẩm, Tú nhận thấy đây là mảnh đất có thể làm ăn tốt.

 

Phát hiện thuốc chữa bệnh dạ dày nhãn hiệu Lanjack (trị giá 7.000đ/vỉ) giống y chang với thuốc Rovanten đặc trị viêm nhiễm, nhất là viêm phổi (trị giá 150.000đ/vỉ) nên Tú đã nảy ra ý định lồng “ruột” Lanjack vào “vỏ” Rovanten và bán với giá của Rovanten. Chi phí ban đầu chưa đến 20.000đ, mỗi hộp thuốc giả giao buôn 100.000đ. Nếu chưa bị phát hiện, Tú còn chuẩn bị cho ra thị trường gần 200 hộp siro Vinka làm từ… nước đường...

 

Trao tiền thật, nhận thuốc giả, chỉ có người tiêu dùng, người bệnh là gánh đủ mọi hậu quả. Thầy thuốc ưu tú Hoàng Đình Lân – Trưởng khoa ngoại, Viện y học dân tộc cổ truyền cho biết, đã là thuốc giả thì dù tân dược hay đông dược đều có mẫu số chung là vô hiệu các giải pháp điều trị cứu sống người bệnh và làm bệnh tình ngày càng nặng thêm do gan, thận phải làm việc nhiều hơn, thậm chí bệnh này chưa khỏi có thể kéo theo bệnh khác bởi tác dụng phụ của thuốc thật chỉ nằm trong ngưỡng từ 1/10.000 - 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lại lên đến 1/10.

 

Mới chỉ quản lý được phần ngọn

 

 

Các thông báo đình chỉ lưu hành thuốc thường không nêu rõ nhà thuốc, hiệu thuốc đang có mặt hàng bị đình chỉ lưu hành.

Chưa bao giờ mật độ phát hiện, yêu cầu thu hồi hoặc bắt giữ các loại thuốc giả lại dày đặc như thời gian vừa qua. “Cứ sản phẩm nào bán chạy, thời gian ngắn sau đó, thuốc giả sẽ xuất hiện”.

 

Trung tá Hà Thế Hùng - Đội trưởng Đội Chống hàng giả, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (Công an Hà Nội) cũng cho biết thêm, lượng thuốc giả phát hiện và bắt giữ mới chỉ là một phần, trên thực tế, số lượng còn lớn hơn rất nhiều nhưng việc phát hiện, bắt giữ và xử lý còn nhiều hạn chế.

 

Một đơn cử được Trung tá Hà Thế Hùng dẫn chứng là mặt hàng đông trùng hạ thảo đang bày bán nhan nhản tại rất nhiều các cửa hàng thuốc. “Đây là mặt hàng rất hiếm, tìm mua tận nơi sản xuất ở Trung Quốc còn không có, trong khi tại Hà Nội, đông trùng hạ thảo dạng viên, dạng nước và nguyên con, loại nào cũng có, mua bao nhiêu cũng được và giá còn rất rẻ. Không có cơ sở nào đảm bảo đó là hàng thật.

 

Tuy nhiên, để khẳng định sản phẩm đó là hàng giả và tiến hành xử lý lại không đơn giản vì muốn đối chứng với hàng thật cũng không có thuốc “xịn”. Muốn thực hiện đến cùng, phải gửi mẫu sang Công ty hoặc cơ sở sản xuất tại nước ngoài để đối chứng.

 

Chi phí cao, hồi âm lâu trong khi theo quy định, chỉ sau 3 tháng kể từ ngày phát hiện nếu không đủ yếu tố cấu thành phạm tội là đã hết hiệu lực khởi kiện. Tình trạng này – theo chỉ huy Đội chống giả cũng đang xảy ra với các loại thuốc giả của Mỹ, Châu Âu do các nước thứ 3 sản xuất rồi nhập khẩu về Việt Nam.

 

Phát hiện đã khó, việc xử lý thuốc giả đang tiêu thụ tại Việt Nam càng khó hơn. Theo quy định, sau khi kiểm nghiệm, phát hiện thuốc giả, kém chất lượng, Cục quản lý Dược (Bộ Y tế) hoặc Sở Y tế địa phương sẽ có “trát” gửi các doanh nghiệp và nhà thuốc yêu cầu thu hồi.

 

Thế nhưng, trên thực tế, trước khi có lệnh thu hồi, thuốc đã được tung ra thị trường và tiêu thụ. Theo tìm hiểu, đến nay các thông báo đình chỉ lưu hành thuốc thường không nêu rõ nhà thuốc, hiệu thuốc đang có mặt hàng bị đình chỉ lưu hành sẽ phải giao nộp cho ai, ở đâu, người mua có được hoàn tiền hay không?... Chính điều này đã tiếp tay cho việc thuốc giả, thuốc kém chất lượng chỉ được thu hồi trên văn bản.

 

 

Theo DĐDN

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo