Thượng đỉnh EU: nóng chuyện Hy Lạp, Nga
Hội nghị thượng đỉnh mùa Xuân thường niên của Liên minh châu Âu (EU) diễn ra tại thủ đô Brussels, Bỉ, trong hai ngày 19 và 20-3 tập trung bàn về tình hình kinh tế Hy Lạp, các biện pháp trừng phạt Nga, tiến trình thành lập Liên minh năng lượng châu Âu…
Tình hình Hy Lạp nóng từng giờ
Hy Lạp là chủ đề nóng nhất được bàn thảo trước thềm hội nghị và là chủ đề trung tâm trong cuộc họp của các nguyên thủ châu Âu.
Chủ tịch EU Jean-Claude Juncker ngày 19-3 bày tỏ lo ngại về tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Hy Lạp với nhóm chủ nợ - gồm EU, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - và nói các bên cần nhanh chóng nắm bắt lại cơ hội đàm phán.
Hiện, các nước EU, đặc biệt là Đức - đầu tàu kinh tế của khu vực, đang duy trì sức ép lớn lên chính phủ Hy Lạp. Nhóm chủ nợ của Hy Lạp cho rằng chính phủ hiện nay của Hy Lạp không có chính sách rõ ràng và thiếu thái độ xây dựng trong các cuộc đàm phán. Do đó, họ kiên quyết không nhượng bộ và cho biết “muốn giữ Hy Lạp ở lại khu vực đồng euo (eurozone) nhưng không phải bằng bất cứ giá nào” - đồng nghĩa Hy Lạp có thể bị loại khỏi eurozone nếu chính phủ Hy Lạp không chịu tiến hành những cải cách quyết liệt theo yêu cầu của nhóm chủ nợ.
Phía Hy Lạp nhận thức rất rõ sự nguy hiểm nên trước khi đặt chân đến Brussels, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã lên tiếng yêu cầu tổ chức “cuộc họp thượng đỉnh mini” để bàn riêng về vấn đề Hy Lạp với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Chủ tịch EU Jean-Claude Juncker. Tuy nhiên, diễn biến ra sao vẫn là điều khó dự đoán.
Duy trì trừng phạt Nga
Theo Tân Hoa xã, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk ngày 19-3 cho biết EU sẽ “duy trì lệnh trừng phạt để gây sức ép với Nga” đến khi thỏa thuận Minsk được thực thi đầy đủ.
Phát biểu trong cuộc họp báo trước thềm hội nghị thượng đỉnh mùa Xuân thường niên của EU, ông Tusk đã nói: “Một trong những cách tốt nhất để ủng hộ Ukraine là thông qua việc duy trì các lệnh trừng phạt để thúc ép Nga đến khi chúng ta chứng kiến việc thực thi đầy đủ thỏa thuận Minsk”.
Lệnh trừng phạt nói trên được duy trì trong bối cảnh một số nước thành viên EU đang phản đối việc tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Thành lập Liên minh năng lượng
Một trong những vấn đề khác đang là thách thức của EU là chính sách năng lượng cũng được bàn tại hội nghị.
EU có ý tưởng thành lập Liên minh năng lượng châu Âu từ tháng 2-2015, xuất phát từ nhu cầu châu Âu cần có sự độc lập về năng lượng với Nga, nhất là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Ukraine đẩy quan hệ EU - Nga, đối tác năng lượng lớn và quan trọng nhất của khối, đến bờ vực.
Tuy nhiên, kế hoạch tham vọng trên cần nhiều thời gian để trở thành hiện thực.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU, hàng loạt chính phủ thành viên đã lên tiếng khẳng định muốn giữ quyền quyết định đối với chính sách năng lượng quốc gia. Chẳng hạn như Pháp hay Ba Lan…, chính sách năng lượng là vấn đề thuộc về chủ quyền quốc gia và an ninh năng lượng rất quan trọng đối với an ninh quốc gia nên không thể để quyền quyết định vào tay một tổ chức khác.
Bên cạnh đó, các vấn đề như vấn đề trợ cấp giá năng lượng của từng nước cũng rất khác biệt, cần có thời gian để các bên tìm được tiếng nói chung.
EU đề ra lộ trình từ nay đến hết năm 2016 để thiết lập cơ chế đối thoại chung, từ đó mới thành lập Liên minh năng lượng.
Nga tăng cường tự do kinh doanh ứng phó với trừng phạt
Ngày 19-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tiếp tục tăng cường tự do hóa kinh doanh là biện pháp đối phó hiệu quả với các thách thức và hạn chế từ bên ngoài.Ông Putin cũng cho rằng lãi suất cơ bản của Ngân hàng trung ương Nga còn cao để có thể hỗ trợ doanh nghiệp.Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho rằng nền kinh tế Nga đã có những dấu hiệu ổn định nhất định, đang từng bước thích nghi với điều kiện mới.
Theo Kinh tế Sài Gòn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo