Thương gia Ấn Độ xoay sở kiếm 1,6 tỉ đô la tiền thế chân
Cách nay chỉ một năm, ông Subrata Roy, một người thích phô trương, sống trong một dinh thự rộng 300 mẫu tây tại thành phố Lucknow ở miền bắc Ấn Độ và điều hành một đế quốc thương mại bao gồm nhiều công ty địa ốc, khách sạn, đài truyền hình và một đội xe đua Formula One. Trong tư cách là người đứng đầu Tập đoàn Sahara, ông Roy quen thân với các chính khách hàng đầu và các minh tinh điện ảnh Bollywood.
Nhưng từ tháng 3 năm ngoái tới nay, ông Roy, 66 tuổi, là một tù nhân ở nhà tù Tihar rộng lớn ở New Dehli, trong lúc ông tìm cách điều đình những thương vụ để có đủ tiền đóng một khoản tiền thế chân khổng lồ để được phép tại ngoại hầu tra.
Ông bị bỏ tù vì không trả lại tiền cho hàng triệu người đầu tư nhỏ lẻ, những người mà ông khai là đã góp vốn cho Tập đoàn Sahara của ông. Chương trình huy động vốn đó đã bị tòa xét là trái phép.
Khoản tiền thế chân 1,6 tỉ đô la là khoản tiền cao nhất mà tòa án Ấn Độ ấn định từ trước tới nay.
Ông Roy đang mong kiếm đủ tiền để đóng tiền thế chân từ hai khách sạn sang trọng mà tập đoàn ông làm chủ - Khách sạn Grosvenor ở London và Khách sạn New York Plaza ở Mỹ. Nhưng đó không phải là chuyện dễ – một nỗ lực mới đây để có được một hợp đồng mua bán với một tập đoàn vốn ở Mỹ do người Ấn Độ làm chủ đã gặp phải nhiều vụ tranh cãi.
Ông Sandeep Parekh, người đứng đầu một công ty luật về tài chánh ở Mumbai, giải thích như sau về khoản tiền thế chân của ông Roy.
"Trên cơ bản thì đây là một án lệnh chống lại ông, và tòa án muốn nói “các ông cần phải trả tiền lại cho những người đầu tư.” Vì thế cho nên, thật ra đây không phải là điều kiện để tại ngoại hầu tra, mà là một câu nói với đại ý là “ông không tuân hành mệnh lệnh của chúng tôi, nên chúng tôi sẽ giam ông cho tới khi nào ông tuân lệnh.”
Nhà phân tích chứng khoán Prithvi Haldea của công ty Prime Database ở New Dehli nói rằng khoản tiền thế chân có liên hệ tới qui mô của vụ lừa đảo.
"Khoản tiền này quả thật là rất lớn, và chúng ta đã thấy là gần một năm rồi mà ông Roy vẫn chưa kiếm ra, tuy ông ấy thường khoe là ông ấy có rất nhiều của cải. Nhiều nỗ lực xoay sở đã bị thất bại."
Trọng tâm của vấn đề khiến ông Roy ngã ngựa là một chương trình huy động 4 tỉ đô la tiền vốn, giúp ông xây dựng sự nghiệp từ hai bàn tay trắng.
Ông Roy nói rằng ông huy động số vốn khổng lồ đó thông qua những khoản ký thác thường lệ với mức chỉ có 30 xu mỗi ngày từ những người lao động nghèo khó, như những người kéo xe và các công nhân ở những thị trấn nhỏ và những dân làng không có tài khoản ngân hàng. Ông cho biết tiền đã được trả lại khi người ký thác cần tới – để tổ chức đám cưới hay để chữa bệnh. Ông được một số người ca tụng là cứu tinh của người nghèo và ông nói rằng hầu hết những người đầu tư đã được trả tiền lại.
Tuy nhiên, các giới chức quản lý thị trường vốn được giao nhiệm vụ điều tra chương trình này nói rằng họ đã gặp khó khăn khi truy tung nhiều người trong số 30 triệu người đầu tư mà tập đoàn Sahara cung cấp hồ sơ vào năm 2012 sau nhiều lần được yêu cầu. Hàng trăm lá thư gởi tới những người đầu tư dựa trên danh sách được cung cấp đã bị bưu điện trả lại vì không có người nhận.
Điều đó khiến cho Tối cao Pháp viện nói rằng nhiều cái tên trong danh sách những người đầu tư là “tên ma”.
Luật sư Sandeep Parekh nói rằng giới hữu trách không biết số tiền đó từ đâu ra và được sử dụng như thế nào.
"Không ai thật sự biết được đó là tiền của ai, từ đâu mà có và được đưa tới đâu. Tiền có được trả lại hay không và trả lại bao nhiêu? Không có người đầu tư nào ra mặt đòi tiền, nên khi giới hữu trách đi tìm người đầu tư họ không thể tìm ra."
Điều đó đã làm nảy sinh sự đồn đoán là chương trình gây vốn của Tập đoàn Sahara có thể là bình phong của những hoạt động rửa tiền – tạo ra những người đầu tư ma để chuyển tiền của những hoạt động phi pháp vào những doanh nghiệp hợp pháp. Tập đoàn Sahara cực lực bác bỏ cáo giác đó, và chưa có ai trong tập đoàn này bị truy tố về tội rửa tiền.
Trong khi đó, các nhà bình luận đã lưu ý tới sự kiện là vụ tai tiếng của ông Roy không hề làm dấy lên những lời đả kích từ các nhà hoạt động chính trị, mặc dù phần lớn các nạn nhân của vụ này là người nghèo.
Nhà phân tích chứng khoán Prithvi Haldea cho biết như sau về vấn đề này.
Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết cho rằng trong trường hợp không tìm ra được những người đầu tư, khoản tiền đó sẽ được sung công. Nhưng nhiều năm sau khi các nhà điều tra bắt đầu xem xét vụ việc của Tập đoàn Sahara, vụ này được so sánh với một bài toán mà có thể không bao giờ tìm được đáp số.
End of content
Không có tin nào tiếp theo