Thị trường

Thương mại song phương Việt Nam-Campuchia tăng trưởng ấn tượng

Việt Nam đứng thứ 5 trong số các nước đầu tư nhiều nhất vào Campuchia. Kim ngạch thương mại song phương liên tục tăng qua các năm với tốc độ bình quân trên 30%/năm.

Kim ngạch thương mại song phương Việt Nam-Campuchia liên tục tăng qua các năm với tốc độ bình quân trên 30%/năm. (Ảnh minh họa. Nguồn:  Internet)

Theo ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Campuchia (AVIC), kể từ khi AVIC được thành lập năm 2009, đến nay, quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch Việt Nam và Campuchia có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả. Dòng vốn đầu tư của Việt Nam sang Campuchia tăng mạnh.

Việt Nam đứng thứ 5 trong số các nước đầu tư nhiều nhất vào Campuchia. Kim ngạch thương mại song phương liên tục tăng qua các năm với tốc độ bình quân trên 30%/năm. Việt Nam đứng thứ 3 trong hợp tác thương mại với với Campuchia.

Đến nay, Việt Nam có hơn 50 dự án lớn hoàn thành đưa vào hoạt động tại Campuchia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nước bạn. Các dự án doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Campuchia tập trung ở các lĩnh vực Campuchia có tiềm năng như: Dự án trồng cây cao su của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Cao su Việt Nam; Dự án Nhà máy sản xuất Phân bón Năm Sao Campuchia; Bệnh viện Chợ rẫy Phnom Penh; Dự án Nhà máy sản xuất phức hợp đường, ethanol và nhiệt điện; lĩnh vực tài chính; các dự án trong lĩnh vực hàng không và viễn thông .v.v…

Thương mại song phương Việt Nam – Campuchia trong giai đoạn 2009 - 2014 đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Mức tăng bình quân trong 5 năm 2009 - 2013 đạt 30%/năm, dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Campuchia năm 2014 đạt khoảng trên 3,5 tỷ USD.

Khách du lịch Việt sang Campuchia không ngừng tăng qua các năm và Việt Nam đứng đầu trong số các nước có lượng khách lớn nhất đến Campuchia. Đến hết tháng 9/2014, số lượng khách du lịch Việt Nam đến Campuchia đạt 632 nghìn lượt, tương đương cùng kỳ 2013, và bằng 74% mức thực hiện cả năm 2013 (chiếm gần 20% tổng lượng khách quốc tế đến Campuchia). Dự kiến đến hết năm 2014, sẽ đạt khoảng 800 nghìn lượt khách.

Theo mục tiêu kế hoạch của Chính phủ 2 nước, phấn đấu đến năm 2020 đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam vào Campuchia đạt 6 tỷ USD, gấp 2 lần so với năm 2013 trong đó, năm 2015 đạt từ 4 đến 4,2 tỷ USD. Riêng về thương mại và du lịch sẽ tạo nhiều đột phá: Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đến năm 2020 đạt 6.5 tỷ USD, trong đó năm 2015 đạt 5 tỷ USD, gấp 1,9 lần so với năm 2013.

Để góp phần hoàn thành mục tiêu kế hoạch đã đề ra, ông Trần Bắc Hà kiến nghị Chính phủ 2 nước chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng các chiến lược hợp tác song phương dài hạn, để tiếp tục kết nối bền chặt hai nền kinh tế Việt Nam - Campuchia. Sớm rà soát các hiệp định kinh tế giữa hai nước đã ký kết và có hướng dẫn cụ thể, hiệu quả triển khai các hiệp định.

Trước mắt, sớm hoàn thiện các thủ tục để Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa hai nước và Nghị định thư sửa đổi hiệp định này sớm có hiệu lực chính thức; sớm ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Tiếp tục thực hiện và hoàn thành sửa đổi bổ sung Hiệp định Thương mại và Hiệp định về mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ ở khu vực biên giới.

 

Đồng thời thống nhất quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng cửa khẩu (đường giao thông, hệ thống chợ, kho ngoại quan…) và có các cơ chế thông thoáng về thủ tục hải quan. Mở rộng danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước được hưởng ưu đãi thuế quan… Thành lập Tổ công tác liên Bộ có sự tham gia của AVIC và thiết lập cơ chế làm việc định kỳ để rà soát, trao đổi, đánh giá các hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Campuchia. Tổ công tác này sẽ giải quyết hoặc kiến nghị Chính phủ hai nước kịp thời giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp mong muốn Chính phủ Việt Nam có cơ chế hỗ trợ  trong việc miễn giảm thuế xuất nhập khẩu đối với sản phẩm được đưa về Việt Nam chế biến; tiếp tục xây dựng quy định thông thoáng, rõ ràng về việc cho phép các nhà đầu tư Việt Nam chuyển tiền ra nước ngoài để thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư....

Với Chính phủ Campuchia, các kiến nghị đề xuất trong đó nhấn mạnh tới việc hoàn thiện khung pháp lý đảm bảo an toàn và khẳng định quyền hợp pháp các giá trị đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài vào Campuchia; Có chính sách bảo hộ hàng hóa sản xuất trong nước (thông qua chính sách thuế, chống hàng giả…) xem xét cấp tô nhượng đất kinh tế để mở rộng canh tác trồng mía, trồng cây công nghiệp theo quy mô dự án; Có cơ chế giải quyết cho thuê lao động nước ngoài đối với các dự án yêu cầu lao động có trình độ tay nghề, kỹ thuật cao; Hỗ trợ và cho phép các doanh nghiệp Việt Nam có dự án đầu tư liên quan đến đất đai được tiến hành thuận lợi, nhất là các dự án trong lĩnh vực trồng cây cao su được Chính phủ Campuchia cấp phép và cấp đất trước ngày 7/5/2012.


 

Đoàn Huế
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo