Thị trường

Thương mại Việt Nam dưới tác động của các Hiệp định thương mại tự do FTA

(DNHN) - Một trong những vấn đề lớn nhất của xuất khẩu Việt Nam là vấp phải hàng rào kỹ thuật từ phía các thị trường nhập khẩu nên nhiều mặt hàng Việt Nam không thâm nhập được vào các thị trường. Việc chúng ta cần làm là tổ chức lại thị trường, sắp xếp lại xuất - nhập khẩu, nâng cao chất lượng hàng hóa. Đó là những đánh giá được tập trung tại hội thảo “Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế với kinh tế và thương mại Việt

Với chủ trương tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, quan hệ kinh tế của Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế ngày càng được mở rộng.

 

Việt Nam hiện là thành viên quan trọng trong khối ASEAN, tích cực thực hiện các cam kết Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), là thành viên tích cực của APEC, ASEM và nhiều tổ chức kinh tế quốc tế khác, và đã tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, Niu-di-lân và gần đây nhất là Chi-lê.

 

Việt Nam cũng đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) với Nhật Bản, đang đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và chuẩn bị khởi động đàm phán FTA với EU.

 

Tháng 01 năm 2007, Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), có quan hệ thương mại với trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, đánh dấu sự hội nhập toàn diện và đầy đủ của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu.

 

Hội nhập kinh tế quốc tế càng sâu rộng, dù ở cấp độ đơn phương, song phương, khu vực hay Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thì cơ hội phát triển càng nhiều, song khó khăn thách thức cũng càng lớn. Quá trình hội nhập kinh tế, nhất là kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO và tham gia mạnh mẽ hơn các hiệp định thương mại tự do (FTA), còn làm bộc lộ rõ hơn những yếu kém nội tại của nền kinh tế Việt Nam.

 

Tình hình hiện nay đang đòi hỏi phải có một chiến lược xuất nhập khẩu hiệu quả nhằm thực sự góp phần cải thiện hiệu quả phân bổ nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, và ổn định kinh tế vĩ mô. Điều này càng có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam cần tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng chất lượng, hiệu quả như đã đề ra trong Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.

 

Hội thảo cho rằng, nội dung quan trọng nhất trong các FTA mà Việt Nam tham gia đến nay là lộ trình cắt giảm thuế quan. Do đó, tác động chủ yếu của các cam kết trong FTA là do hiệu ứng của việc cắt giảm thuế quan.

 

Tuy nhiên, ông Claudio Dordi, Tư vấn trưởng Dự án hỗ trợ thương mại đa biên (MUTRAP) lại cho rằng, khi các hàng rào thuế quan được cắt giảm thì Việt Nam cần có những cải thiện về chất lượng hàng hóa để vượt qua những rào cản và các biện pháp bảo hộ của các thị trường.

 

“Cách duy nhất mà các bạn phải làm là nâng cao chất lượng sản phẩm, điều đó có nghĩa là phải nâng cao chất lượng các thiết bị sản xuất và nâng cao tất cả chuỗi giá trị liên quan đến hàng hóa chứ không chỉ chăm chăm vào bản thân hàng hóa”, ông Claudio Dordi nói.

 

Theo TS.Võ Trí Thành, Phó viện trưởng viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ cho rằng, những kinh nghiệm có được từ đàm phán các FTA trong thời gian qua sẽ là bài học cực kỳ hữu ích trong việc Việt Nam tiến tới ký kết các FTA tới đây như Hiệp định đối tác xuyên Thái BÌnh Dương (TPP) và đàm phán FTA với EU. 

                    

“Việt Nam là nước có bước phát triển chậm nên không thể có những tiêu chuẩn, vấn đề hài hòa hóa tiêu chuẩn kỹ thuật, cho nên cái khéo ở đây là vừa gây sức ép với trong nước để chúng ta vươn lên, nhưng cũng phải có lộ trình và thời gian để chúng ta thực hiện.

 

Thứ hai là phải có nguyên tắc “có đi có lại” một chút và nguyên tắc này trong đàm phán không phải câu chuyện về thuế quan, mà là vấn đề thừa nhận lẫn nhau”, TS.Võ Trí Thành nói.

       

Nghiên cứu do ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại làm trưởng nhóm cũng chỉ rõ: Một trong những chỉ số thể hiện lợi ích xuất khẩu của các FTA là tỷ lệ hàng hóa có sử dụng mẫu chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi.

 

Thời gian tới, chúng ta phổ biến rộng rãi hơn cam kết giảm thuế của các đối tác để các doanh nghiệp tận dụng được giấy chứng nhận ưu đãi xuất xứ này. Bên cạnh đó, phải có nhiều chính sách ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa bởi họ đang yếu thế và ít được hưởng lợi từ các FTA.

 

L.Nhung

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo