Thương mại Việt Nam – Ukraine có lợi thế không cạnh tranh
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Ukaine (nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Ukaine Mykola Azarov, từ 15-16/11/2012) vừa diễn ra chiều 15/11, ở Hà Nội, hai nước Việt Nam và Ukraine cùng công bố nhiều thông tin quan trọng về lợi thế hợp tác thương mại song phương.
Giàu tiềm năng hợp tác
Trong các năm gần đây, cùng với sự phát triển tốt đẹp của quan hệ chính trị - ngoại giao, hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và Ukraine cũng đã thu được nhiều kết quả tích cực.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước năm 2011 đạt xấp xỉ 300 triệu USD, tăng 17,1% so với năm 2010. Trong 9 tháng năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 198 triệu USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt 153 triệu USD, tăng 13,8% so với cùng kỳ; xuất khẩu của Ukraine đạt 45 triệu USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ.
Còn ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: Việt Nam có lợi thế môi trường chính trị ổn định, nguồn lao động trẻ và dồi dào, và đặc biệt là vị trí địa kinh tế nổi bật với vai trò cầu nối trong khu vực kinh tế năng động, khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc đang trỗi dậy.
Về phía đối tác Ukraine, thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, quốc gia này có dân số 45,6 triệu người, GDP năm 2011 đạt 162,9 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2010; GDP bình quân đầu người đạt 3.565 USD.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Ukraine năm 2011 đạt 151 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 68,4 tỷ USD, tăng 33% so với năm 2010; nhập khẩu đạt 82,6 tỷ USD, tăng 36% so với năm 2010; nhập siêu 14,2 tỷ USD, bằng 20,7% kim ngạch nhập khẩu.
Trong 6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 33,7 tỷ USD, tăng 2,7%; nhập khẩu đạt 40,9 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2012.
Cần thúc đẩy xúc tiến thương mại song phương
Với những tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là tốc độ tăng nhanh kim ngạch thương mại song phương như nêu trên, nhưng theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, “vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng và quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai nước. Kim ngạch thương mại song phương còn chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả Việt Nam và Ukraine”.
Trong khi đó, “hai bên có những điều kiện hết sức thuận lợi để đẩy mạnh hợp tác, thí dụ như cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hoá không cạnh tranh, mà có tính bổ sung cho nhau rất rõ ràng”- Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.
Hiện tại, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang Ukraine các mặt hàng: thủy sản, hàng dệt may, điện thoại di động, giày dép, rau quả, hạt điều, hạt tiêu, gạo, sản phẩm từ chất dẻo, cao su và sắt thép các loại.
Các mặt hàng nhập khẩu từ Ukraine gồm: lúa mỳ, hóa chất, phân bón, sắt thép, sản phẩm từ thép, máy móc - thiết bị - phụ tùng, phương tiện vận tải.
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai nước tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, VCCI đề xuất Chính phủ hai nước nghiên cứu, xem xét việc mở đường bay thẳng Việt Nam - Ukraine.
Còn Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp hai bên Việt Nam và Ukraine cùng với các doanh nghiệp quan tâm đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm… tại mỗi nước để tìm kiếm, xây dựng quan hệ đối tác, qua đó tăng cường hợp tác thương mại, góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương Việt Nam - Ukraine.
“Bộ Công Thương Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi và phối hợp để hỗ trợ cho hợp tác giữa các doanh nghiệp”- Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh.
Trong giai đoạn hiện nay, nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác thương mại song phương, hai bên đang trao đổi, tiến tới tham vấn về khả năng đàm phán Hiệp định Thương mại tự do song phương. Hai bên cũng đang đàm phán, chuẩn bị ký kết Hiệp định hợp tác trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng./.
Hồng Lĩnh (Theo VOV)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng
Quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2024 ước đạt 36 tỷ USD