Thương mại Việt - Nhật hướng tới mục tiêu đạt 60 tỷ USD vào năm 2020
Kể từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao bước sang năm thứ 44, quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản phát triển mạnh và năng động nhất. Nhật Bản đã trở thành đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam cũng đã trở thành đối tác quan trọng của Nhật Bản ở Đông Nam Á.
Kim ngạch thương mại giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản đang hướng tới mục tiêu đạt 60 tỷ USD vào năm 2020.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản 6 tháng đầu năm 2016 đạt 6,67 tỷ USD; trong đó, hàng dệt may là nhóm hàng chủ lực, đạt kim ngạch lớn nhất xuất khẩu sang Nhật Bản 1,28 tỷ USD, chiếm trên 19% và tăng 4,79%.
Tiếp sau đó là nhóm hàng phương tiện vận tải và phụ tùng chiếm 13,3%, đạt hơn 885 triệu USD; máy móc, thiết bị chiếm 10,7%, đạt hơn 717 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 7,2%, đạt hơn 479 triệu USD, theo TTXVN.
Nhận định về quan hệ thương mại Việt Nam-Nhật Bản, ông Nguyễn Trung Dũng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho rằng, kim ngạch thương mại Việt Nam-Nhật Bản có thể sẽ đạt tới một tầm cao mới bởi một loạt các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại-đầu tư song phương đã được lãnh đạo hai nước đưa ra bàn thảo và thống nhất.
Theo ông Nguyễn Trung Dũng, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng tăng, kể từ khi hai nước dành cho nhau quy chế thuế suất tối huệ quốc (năm 1999). Ngoài ra, cơ cấu hàng hóa của Nhật Bản và Việt Nam mang tính bổ sung, không cạnh tranh.
Nhật Bản là nước nhập siêu lớn về thủy sản, mặt hàng công nghiệp tiêu dùng như dệt may, giày da, thực phẩm chế biến trong khi Việt Nam lại là nước có lợi thế cạnh tranh tuyệt đối về các sản phẩm này. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Nhật Bản máy móc, thiết bị, công nghệ và nguyên liệu cho sản xuất.
Đặc biệt, khi một loạt các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã và đang được ký kết sẽ là lực đẩy tạo ra dòng chảy thương mại giữa các quốc gia và các đối tượng tham gia.
Tuy nhiên, Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương thuộc Bộ Công Thương cho biết quan hệ thương mại giữa Việt Nam-Nhật Bản luôn đạt kết quả tăng trưởng cao nhưng số liệu thống kê cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam chưa khai thác được nhiều từ các lợi thế này.
Đưa ra minh chứng cụ thể, ông Lê An Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương cho rằng thị trường Nhật Bản được coi là khai thác tốt cũng mới đạt 40%, khu vực ASEAN chỉ đạt khoảng 20%.
Theo nội dung FTA Việt Nam-Nhật Bản, thuế suất bình quân đối với hàng Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản sẽ giảm dần xuống 2,8% vào năm 2018. Khi Hiệp định có hiệu lực, ít nhất 86% hàng nông-lâm-thủy sản và 97% hàng công nghiệp Việt Nam xuất sang Nhật Bản được hưởng ưu đãi thuế.
Đổi lại, thuế suất bình quân đối với hàng nhập khẩu từ Nhật Bản vào Việt Nam sẽ giảm dần, xuống còn 7% vào năm 2018. Các mặt hàng thủy sản, nông sản, dệt may, sắt thép, hóa chất, linh kiện điện tử có mức cam kết tự do hóa mạnh mẽ nhất.
Trong vòng 10 năm, theo thỏa thuận, Việt Nam và Nhật Bản cơ bản hoàn tất lộ trình giảm thuế để xây dựng một khu vực thương mại tự do song phương hoàn chỉnh. Theo đó, 94,53% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 87,6% kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sẽ được miễn thuế nhập khẩu.
Vì vậy, ông Lê An Hải khuyến cáo các doanh nghiệp cần đầu tư phù hợp để cải thiện năng lực kinh doanh, giám sát tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Cùng với đó, cần tích cực thực hiện công tác xúc tiến thương mại để khai thác tốt hơn tiềm năng từ thị trường Nhật Bản và tận dụng triệt để những thuận lợi các Hiệp định mang lại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ra mắt liên minh đổi mới đối tác AI tạo sinh
Kê khai sai thuế, Công ty Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 D2D bị phạt hơn 865 triệu đồng
Đà Nẵng: Liên tiếp xử phạt bán hàng giả nhãn hiệu nổi tiếng tại quận du lịch trọng điểm
Nền tảng ngân hàng số cho doanh nghiệp
Doanh nghiệp Việt cung cấp giải pháp số sáng tạo tại thị trường Trung Đông
Hai thách thức lớn doanh nghiệp phải đối mặt khi bán sản phẩm ra thị trường toàn cầu