Thị trường

Thưởng tết Giáp Ngọ 2014: Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng

Nhiều doanh nghiệp dệt may quyết định thưởng Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 cho người lao động từ 1,5 đến 2 tháng thu nhập.

Kết thúc năm 2013, dệt may được xem là một trong những điểm sáng trong số các ngành xuất khẩu, với tổng kim ngạch hàng dệt may, xơ sợi đạt trên 21 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2012. Từ kết quả sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu như vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều doanh nghiệp trong ngành hồ hởi công bố mức thưởng Tết 2014 cho người lao động.

Nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước đã công bố sớm mức tiền thưởng cho người lao động (Ảnh: Đức Thanh)
 
26 tỷ đồng là khoản tiền được Công ty cổ phần Đồng Tiến (đóng tại số 10 - Phan Trung, phường Tân Tiến, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) chi thưởng Tết Nguyên đán 2014 cho cán bộ, công nhân viên.
 
Theo ông Vũ Ngọc Thuần, Tổng giám đốc Công ty, với tổng số tiền thưởng này, dự kiến, bình quân mỗi công nhân làm việc tại doanh nghiệp sẽ được nhận khoản tiền thưởng 8 triệu đồng.
 
Năm 2013, Công ty đạt tổng lợi nhuận trước thuế hơn 46 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2012. Ngoài số tiền thưởng Tết cho mỗi người lao động, Công ty đã chuẩn bị vé vào cửa các điểm đến tham quan du lịch trong và ngoài nước để tặng cho cán bộ và công nhân lao động xuất sắc năm 2013, chuẩn bị phương tiện để đưa đón công nhân viên về quê ăn Tết…
 
Công ty cổ phần Đồng Tiến hiện có 2.500 công nhân viên, hàng năm sản xuất 960.000 sản phẩm jacket và các sản phẩm khác cùng loại; 780.000 sản phẩm sơ-mi, áo blouse và áo khoác nữ; 2,28 triệu sản phẩm quần các loại… để xuất khẩu sang Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Canada, Đài Loan.
 
Một doanh nghiệp khác là Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại may Sài Gòn cũng cho biết, sẽ thưởng Tết cho người lao động bằng 2 tháng lương, khoảng 10 triệu đồng. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó giám đốc Công ty, như thông lệ, dù khó khăn mấy, Công ty cũng tính toán để có thưởng cho người lao động sau 1 năm lao động vất vả. Khoản tiền thưởng dù nhiều hay ít đều thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp với người lao động.
 
Ngoài ra, May Sài Gòn cũng bố trí thời gian nghỉ hợp lý để công nhân về quê ăn Tết. Cụ thể, lao động tại Công ty sẽ được nghỉ Tết nửa tháng, bắt đầu từ 26 Âm lịch đến hết ngày 11 Âm lịch mới phải đi làm lại.
 
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), đến thời điểm này, báo cáo từ nhiều doanh nghiệp thành viên cho biết, dù hoạt động sản xuất - kinh doanh tại các doanh nghiệp không giống nhau, nhưng doanh nghiệp nào cũng có thưởng Tết từ 1,5 đến 2 tháng lương, thậm chí có doanh nghiệp thưởng 2,5 tháng lương, đồng thời bố trí xe đưa đón công nhân về quê ăn Tết và tổ chức Tết cho số công nhân ở lại doanh nghiệp.
 
Tết này, gần 3.000 lao động làm việc tại Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, đơn vị liên kết của Tổng công ty Dệt may Gia Định có mức thưởng khá so với mặt bằng chung của doanh nghiệp trong ngành. Theo ông Phạm Văn Có, Chủ tịch Công đoàn May Sài Gòn 3, mỗi người lao động được thưởng Tết 2,3 tháng lương, bình quân mỗi lao động nhận được khoảng 11 - 12 triệu đồng.
 
Trong khi nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước công bố sớm mức tiền thưởng cho người lao động, thì hàng chục ngàn lao động dệt may thuộc doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, liên doanh rơi vào cảnh không lương, không thưởng Tết.
 
Đơn cử như trường hợp Công ty TNHH Kyung Sung Vina (100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất hàng may mặc tại huyện Hóc Môn, TP.HCM). Do chủ doanh nghiệp bỏ trốn từ trong năm, nợ hơn 1 tỷ đồng lương công nhân, bảo hiểm xã hội, nên UBND TP.HCM đã chỉ đạo Liên đoàn Lao động huyện Hóc Môn mở thủ tục phá sản đối với công ty này.
Báo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo