Pháp luật

Thưởng Tết: Mùa than thở đã đến !

Dù ai trong cuộc sống cũng có những lúc phải đối mặt với những khó khăn tài chính. Nhưng cái Tết cận kề khiến cho nhiều người trở nên dễ "cám cảnh" hơn, đặc biệt là khi nhắc đến thưởng Tết - vấn đề ngàn năm không cũ trong văn hóa đương đại Việt Nam.

 

Dưới bài viết về mức thưởng Tết lớn lên tới 190 tỷ của một doanh nghiệp đăng trên Lao Động, một độc giả có địa chỉ email haingo**@gmail.com viết: "Doanh nghiệp quá đàng hoàng, tụi mình làm ở đài truyền hình tỉnh nơi có thành phố được mệnh danh là thiên đường du lịch mà năm ngoái thưởng tết có 500.000 đồng (cả những người kì cựu.). Năm nay nghe nói danh sách báo động đỏ, chắc được mấy chục ngàn. Nói ra thiên hạ không tin. "

Cái Tết, đã từ lâu trong văn hóa Việt Nam không hẳn là một dịp ăn chơi, nghỉ ngơi, mà trở thành gánh lo từ thời các cụ. Ai cũng muốn đón năm mới trong cảnh sung túc, và "ăn Tết" đồng nghĩa với có tiền trong túi. Vậy nên, dịp này, đồng tiền thưởng không còn bằng một nén tiền công nữa mà thậm chí còn nhiều hơn.

"Đừng nói thưởng tết ra làm gì nghe thấy buồn lắm, năm nay cty làm ăn khó khăn thế này hàng tháng còn chẳng dư giả gì tết muốn về quê một chuyến mà giờ cũng chưa có ý nghĩ sẽ mua vé xe về tết chỉ vì có ít tiền. Nếu thưởng tết không hơn một tháng lương thì cũng chỉ đủ 1 vé chen chúc trên ô tô và ít quà cho gia đình và khi quay lại miền nam thì sẽ không còn tiền trang trải cuộc sống khi chưa có lương, biết làm thế nào bây giờ?" - một độc giả chia sẻ trên báo VnExpress cho thấy nỗi lo lắng thường trực về việc Tết sẽ khuấy đảo ngân sách cá nhân và chi tiêu của mỗi người ra sao.

Cũng trong dịp này, xuất hiện tâm lý so sánh giữa các ngành nghề.

"Được thưởng là tốt rồi. Các nghành khác như giáo dục thưởng tết rất ít thậm chí có trường không biết thưởng tết là gì" - độc giả Lê Sỹ Quân bình luận về mức thưởng của ngành ngân hàng.

"Năm nào cũng bài ca ngân hàng! Sao ko thấy công nhân ngành nghề khác? Họ làm vất vả quanh năm lương mỗi tháng có thu nhập bằng các bạn ko? Có ngồi máy lạnh như các bạn ko? Tôi lương thưởng luôn tháng 13 bằng 1 tháng lương các bạn còn ở trọ 2 con nheo nhóc." - một độc giả khác viết.

Những cuộc tranh luận về thưởng Tết xuất hiện khắp nơi trên các báo và phần lớn trong đó là những lời than thở về mức thưởng. Dường như cái Tết đến gần làm người ta dễ tủi thân hơn về điều kiện kinh tế.

"Gần tết phải đi vay tiền nghĩ cũng ngại mà vẫn phải mặt dầy vay, vì không vay thì lấy tiền đâu làm được mâm cỗ, có cho con được miếng thịt gà, nghĩ mà tủi quá ."

Cần phải nói thêm rằng đây không phải là tâm lý mới xuất hiện trong nền kinh tế thị trường. Nỗi băn khoăn về "thưởng Tết" chỉ là một biểu hiện của gánh lo "con gà, miếng thịt" ngày Tết vốn đã gắn liền với văn hóa Việt Nam. Trong các tác phẩm văn học kinh điển, đặc biệt là của dòng văn học hiện thực 30-45, hình ảnh những người cố cùng lo cái Tết ngày 30 xuất hiện nhiều đến ám ảnh.

Gần đây, đã có doanh nghiệp đề xuất bỏ hẳn lệ thưởng Tết để đỡ gánh nặng cho doanh nghiệp, theo đó hiệu quả kinh doanh sẽ được chia đều thành các đợt thưởng trong năm.

Lao Động
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo