Xã hội

Thường vụ Quốc hội đồng tình thực hiện một số giải pháp về cai nghiện ma túy

Theo tin từ Văn phòng Quốc hội (QH) ngày 8.11, chiều 7.11, các thành viên Ủy ban Thường vụ QH đã họp về báo cáo của Chính phủ, tổng hợp các đề xuất của TP.HCM, Đà Nẵng, Hà Nội về áp dụng một số giải pháp tạm thời: cắt cơn, giải độc, chăm sóc sức khỏe... cho người nghiện ma túy trong lúc chờ quyết định của tòa án để đưa đi cai nghiện bắt buộc.

Trung tâm cai nghiện và dạy nghề Nhị Xuân bề thế nhưng hiện vẫn chưa khai thác hết cơ sở vật chất sẵn có - Ảnh: Đình Nguyên

Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng QH, cho biết Ủy ban Thường vụ QH đã thảo luận rất kỹ về các đề xuất này và đã đồng ý với kiến nghị của Chính phủ đưa một số giải pháp về cai nghiện ma túy của Chính phủ vào nghị quyết kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 8 QH khóa 13.
 
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ QH cũng đã đề nghị Chính phủ sớm hoàn thiện, chỉnh sửa lại Nghị định 221/2013/NĐ-CP (quy định các biện pháp hành chính đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) để các tỉnh, thành trong cả nước có cơ sở thực hiện luật Xử lý vi phạm hành chính. Dự kiến ngày 10.11, Ủy ban Thường vụ QH sẽ đưa vấn đề này ra trước QH để xin ý kiến các đại biểu.
 
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH, cho biết có 2 vướng mắc chính trong việc tổ chức cho người nghiện ma túy hiện nay đi cai nghiện. Thứ nhất là quy định tại điều 131 của luật Xử lý vi phạm hành chính chưa quy định rõ tổ chức xã hội tiếp nhận người nghiện là tổ chức nào. Thứ hai, quá trình làm hồ sơ tổ chức cho người nghiện đi cai nghiện phải mất tới 37 ngày như  luật quy định là khá dài, bất hợp lý. “Khi đã phát hiện và chắc chắn một người là nghiện ma túy rồi mà cơ quan chức năng không có động tác gì để đi qua quy trình 37 ngày, đến lúc giải quyết thì không biết người nghiện họ bỏ đi đâu mất rồi để đưa họ ra tòa. Mà có khi, đến lúc tòa ra phán quyết cũng không chắc họ có mặt tại tòa nữa”, bà Mai nói. Do đó, theo bà Trương Thị Mai, các cơ quan Chính phủ phải có hướng dẫn, làm rõ những điều này và tổ chức lại công việc làm hồ sơ để rút ngắn quy trình, thủ tục đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện.
 
Hiện nay, theo quy định thì các cơ quan: tư pháp, công an, tòa án… mỗi nơi phải mất 5 ngày làm thủ tục nên thời gian kéo dài. Theo bà Mai, các cơ quan này phối hợp với nhau thì sẽ rút ngắn được thời gian, thay vì 37 ngày, có thể chỉ còn 4 - 5 ngày.
 
Cũng theo bà Trương Thị Mai, cách thức xác định các triệu chứng nghiện ma túy hiện nay cũng là một vấn đề. “Hiện nay, Bộ Y tế đã có một văn bản hướng dẫn với những người liên quan đến heroin, những triệu chứng liên quan đến sử dụng ma túy tổng hợp”, bà Mai nói. Theo bà, ma túy tổng hợp, với hàng trăm loại xuất hiện gần đây là thách thức rất lớn với cách xử lý. “Để xác định người nghiện ma túy không chỉ căn cứ trên triệu chứng mà căn cứ cả vào một số yếu tố tâm lý nữa, nên phải khẩn trương xác định căn cứ để lập hồ sơ và để tòa án xem xét, ra quyết định cai nghiện bắt buộc”, bà Mai nói.
 
 

 Viện đề nghị Tòa dừng thực hiện công văn gây khó xử án ma túy

 
Viện KSND tối cao vừa gửi văn bản đến Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình đề nghị xem xét, dừng thực hiện Công văn 234.
 
Trước đó, ngày 17.9.2014, TAND tối cao ban hành công văn nói trên, xác định: “Trong mọi trường hợp khi thu giữ các chất nghi là ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất”. Từ Công văn 234, hiện nay phần lớn tòa án các cấp từ T.Ư đến địa phương phải trả hồ sơ cho Viện KSND để điều tra bổ sung với lý do phải giám định hàm lượng chất ma túy, dẫn đến khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng.
 
Theo Viện KSND tối cao, quy định của các điều luật trong chương 18 bộ luật Hình sự năm 1999 các tội phạm về ma túy thì căn cứ để truy tố, xét xử bị can, bị cáo là dựa vào trọng lượng, số lượng của các chất ma túy chứ không căn cứ vào hàm lượng. Cũng theo Thông tư liên tịch số 17 ngày 24.12.2007 của Bộ Công an - Viện KSND tối cao - TAND tối cao - Bộ Tư pháp, đối với các chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch (như dung dịch thuốc phiện, dung dịch heroin dùng để tiêm, chích) hoặc chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng, xái thuốc phiện thì mới bắt buộc phải xác định hàm lượng để tính trọng lượng chất ma túy.
Theo Thanh niên Online
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo