Xã hội

Thuyền viên nhảy xuống biển vì quá cực khổ

Ăn uống kham khổ, mất vệ sinh, làm việc cực nhọc kéo dài triền miên khiến các thuyền viên không trụ nổi. Đúng lúc tàu ghé vào khu vực kênh Panama đổ dầu, họ cùng nhau nhảy xuống biển bỏ trốn.

Dùng mồi câu mực làm thực phẩm

Sáng 20/8, khi các thuyền viên vừa đặt chân tới nhà, đã có rất đông người thân, bà con hàng xóm tới thăm hỏi, chia sẻ. Tại thôn Đại Hải, xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu, Nghệ An), thuyền viên Đào Ngọc Trung liên tục phải trả lời các câu hỏi của người dân.

Thuyền viên Trung cho biết, tháng 6, anh và 3 người cùng làng là Trần Thanh Tùng, Hồ Thanh Hùng và Trần Văn Dương lên làm việc tại tàu cá Cheng Cheng Shipping của chủ tàu Đài Loan.

Tổng cộng trên tàu có 25 người, gồm 21 thuyền viên (4 người Việt Nam, 16 người Phillipines, 1 người Indonesia) còn lại là thuyền trưởng và các phụ máy, cai tàu người Trung Quốc.

"Tàu chúng tôi chuyên câu cá ngừ đại dương, rất ít khi cập cảng. Tôi đi 14 tháng chỉ thấy tàu vào bến một lần để trả 1 lao động Indonesia về nước do người này bị đau chân.

Mỗi ngày chúng tôi làm việc từ 18 - 20 tiếng, có đêm câu được nhiều cá thì anh em thuyền viên phải thức trắng để làm. Thời gian làm việc quá dài, hễ được nghỉ là chúng tôi tranh thủ ăn uống thật nhanh để giành thời gian ngủ" - anh Trung kể.

Trong 4 thuyền viên Việt Nam trên tàu, anh Trung và Trần Văn Dương là 2 cậu cháu. Anh Trung được phân công làm đầu bếp, 3 người còn lại chuyên trực câu.

Thuyền viên Hồ Thanh Tùng nhớ lại: "Khổ nhất trên tàu là cái ăn, chủ yếu là đồ hộp đóng sẵn. Nhưng được ăn đồ hộp đã là may rồi, nhiều tháng các thuyền viên chỉ được dùng mồi câu làm thực phẩm. Đó là một loại cá nhỏ bằng 2 ngón tay.

Ăn thứ đó liên tục nhiều ngày, anh em chịu không nổi. Nhưng ai không ăn thì chỉ biết nhịn đói".

 

Người dân đổ về thăm hỏi các thuyền viên.

Không chịu nổi chế độ làm việc và ăn uống khắc nghiệt, các thuyền viên đều có ý định về nước trước thời hạn.

"Chúng tôi không dám đề xuất với thuyền trưởng vì chắc chắn sẽ không được chấp nhận. Ngày 14/8, khi biết thuyền trưởng cho tàu chạy vào kênh đào Panama tiếp dầu, 4 anh em nghĩ chỉ còn cách là nhảy xuống rồi cố gắng bơi lên bờ.

Lúc trời tối, chúng tôi vớ lấy áo phao nhảy xuống biển, bơi trong nhiều giờ đồng hồ. Đến lúc sắp kiệt sức thì chúng tôi đến được 1 cọc hoa tiêu. Thế là anh em thay nhau bám lấy để nghỉ lại sức. Đến rạng sáng hôm sau thì được vớt lên bờ" - anh Đào Ngọc Trung kể.

Chỉ mong nhận đủ lương và tiền cọc

Gia đình các thuyền viên đều cho biết, trong 14 tháng các lao động đi làm việc, công ty đã gửi 3 quý tiền lương. Riêng quý đầu tiên bị giữ lại 5 triệu đồng làm tiền cọc.

Anh Trung cho biết: “Lương đầu bếp tôi mỗi tháng nhận 500 USD, trong đó chủ tàu cho giữ lại 50 USD, còn lại gửi về nhà. Chi phí ban đầu gia đình nộp cho công ty là gần 12 triệu đồng”.
 

Thuyền viên Đào Ngọc Trung và cháu Trần Văn Dương

Theo chị Tô Thị Hằng (vợ anh Trung), 2 anh chị cưới nhau được hai năm. Cuộc sống gia đình dựa hết vào nghề chài lưới nên rất bếp bênh. Được người làng giới thiệu, vợ chồng vay tiền để anh Trung đi xuất khẩu lao động làm thuyền viên.

"Hai cậu cháu cùng vay tiền đi XKLĐ (cùng với Trần Văn Dương – PV) với mong muốn kiếm ít tiền để nuôi sống gia đình. Anh đi được mấy tháng thì tôi sinh con gái đầu lòng, cuộc sống càng thêm khó khăn" - chị Hằng cho biết.

Khi được hỏi về chuyện cai tàu đánh đập thuyền viên, anh Đào Ngọc Trung khẳng định là không có chuyện đó. "Chỉ là vì điều kiện làm việc và ăn uống quá khắc khổ, không chịu nổi nên anh em chúng tôi mới nhảy tàu để về chứ không phải do đánh đập.

Điều kiện kinh tế gia đình chúng tôi ai nấy đều khó khăn. Lúc vay tiền để đi nước ngoài, anh em đều xác định sẽ cố gắng làm việc đúng thời hạn để kiếm tiền gửi về nhà cải thiện. Nói thật, đúng là cực chẳng đã chúng tôi mới liều mình nhảy xuống nước!..." - anh Trung ngậm ngùi.

Trao đổi với phóng viên, các lao động đều bày tỏ mong muốn được nhận đủ số tiền cọc, tiền lương. Hiện ngoài số tiền cọc 5 triệu đồng công ty đang giữ, mỗi thuyền viên còn 2 tháng chưa được nhận lương.

"Hôm trước thấy báo đài đưa tin chồng tôi cùng mấy anh em nhảy xuống biển, tôi rụng rời cả tay chân. Từ tối qua tôi đã không ngủ để chờ đón anh Trung về. Bây giờ chỉ mong công ty trả nốt số tiền lương và tiền cọc cho gia đình” - chị Hằng bày tỏ.

Qua tìm hiểu, được biết trong 4 thuyền viên nhảy tàu, anh Đào Ngọc Trung và Trần Văn Dương được Công ty Servico (Hà Nội) phái cử, 2 thuyền viên còn lại do Công ty Dịch vụ và Thương mại TSC phái cử.

Theo Vietnamnet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo