Xã hội

Tiền hỗ trợ di dân của Chính phủ: Dân một phần xã chín phần

Ông Phan Văn Đáp, Chủ tịch UBND xã Tân Khánh xác nhận: Việc các hộ dân được hỗ trợ 10 triệu đồng/1 hộ và mỗi hộ nhận được một triệu đồng, chín triệu đồng “tự nguyện” nộp lại xã là có thật...

Quyết định 193/2006/QĐ-TTg ngày 24/8/2006 và Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày 21/11/2012 của Chính phủ về việc Phê duyệt chương trình bố trí dân cư các vùng: thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, di cư tự do, khu rừng đặc dụng… Xã Tân Khánh (huyện Vụ Bản) là một trong 4 xã, thị trấn của tỉnh Nam Định được chọn thực hiện chương trình này. Tuy nhiên, tại đây đang bộc lộ nhiều dấu hiệu thiếu minh bạch.

Ông Phan Văn Đáp - Chủ tịch UBND xã Tân Khánh (phải) trong buổi làm việc với PV.
Ông Phan Văn Đáp - Chủ tịch UBND xã Tân Khánh (phải) trong buổi làm việc với PV.

Nhập nhèm… "diện di dân"

Theo 2 Quyết định 193/2006/QĐ-TTg và 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình bố trí dân cư, đối tượng được hưởng chính sách này gồm: Hộ gia đình được bố trí, ổn định theo hình thức tái định cư tập trung; hộ gia đình bị mất nhà ở, đất ở, đất sản xuất do sạt lở, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất, lốc xoáy, sóng thần; hộ gia đình thiếu đất, nước để sản xuất, thiếu nước sinh hoạt, thiếu cơ sở hạ tầng; hộ thuộc diện nghèo sống du cư trên đầm phá, các làng chài trên sông nước, sống ở vùng bị ô nhiễm môi trường; hộ gia đình tự nguyện đến các vùng biên giới đất liền, khu kinh tế quốc phòng, hải đảo; hộ gia đình đã di cư tự do đến các địa bàn trong cả nước hoặc đang ở vùng xung yếu và rất xung yếu của rừng phòng hộ, khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng nhưng không theo quy hoạch bố trí dân cư, đời sống còn khó khăn cần phải bố trí, ổn định vào vùng quy hoạch.

Hộ phải di dân vì điều kiện sản xuất và đời sống quá khó khăn, bao gồm, hộ sống ở nơi đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất, thiếu nước sinh hoạt; hộ di dân đến khu kinh tế  - quốc phòng và hộ dân cần phải đưa ra khỏi các khu rừng đặc dụng...

Xã Tân Khánh nằm ở phía Tây Bắc của huyện Vụ Bản, cách trung tâm huyện Vụ Bản 15km, vị trí: phía Bắc giáp xã Minh Thuận, phía Nam giáp xã Cộng Hòa, phía Đông giáp xã Hiển Khánh, phía Tây giáp xã An Lão huyện Bình Lục (Hà Nam). Nếu chiểu theo các tiêu chí trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thì Tân Khánh không thuộc xã được hưởng chính sách này. Tuy nhiên không hiểu sao địa phương này vẫn được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt.

 “Tự nguyện” kiểu… “ép buộc”?

Theo tài liệu UBND xã Tân Khánh cung cấp, toàn xã có 150 hộ được hỗ trợ, trong đó 69 hộ được hỗ trợ đợt một với 10 triệu đồng/ hộ. Tuy nhiên theo phản ánh của người dân, họ đều tách hộ khi xây dựng gia đình vì nơi ở cũ chật chội và phải đấu giá quyền sử dụng đất của xã để có nơi ở mới. Được tin có chương trình hỗ trợ tiền giãn dân của nhà nước họ rất vui mừng vì hầu hết đều là những người nghèo.
Song khi đến hội trường của UBND xã thì được cán bộ xã phổ biến chương trình này là của xã “xin được” nên muốn nhận được số tiền này thì phải “ủng hộ” 9 triệu đồng thì mới cho nhận tiền, còn không sẽ để cho hộ khác (theo chương trình di dân của Chính phủ mỗi hộ được 10 triệu đồng).

Cũng theo người dân phản ánh, hôm họ nhận tiền thì nhận ở bàn này sau đó phải sang một bàn khác để viết đơn tự nguyện “ủng hộ” thì mới được ra về, còn nếu không ủng hộ thì không thể ra về được, vì có “người” chặn ở các lối ra. Vì tâm lý “tiếc của” nếu như không làm như phổ biến của xã thì cũng không thể nhận được 1 triệu đồng nên hầu hết các hộ đều phải viết đơn “tự nguyện”. Khi ấy,  nhiều người dân nói với cán bộ xã trong bức xúc: “ ...nhà chúng tôi nghèo thế thì làm sao lại ủng hộ đến 9 triệu đồng...”, tuy nhiên các cán bộ xã chỉ… cười trừ.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Đáp, Chủ tịch UBND xã Tân Khánh xác nhận: Việc các hộ dân được hỗ trợ 10 triệu đồng/1 hộ và mỗi hộ nhận được một triệu đồng, chín triệu đồng “tự nguyện” nộp lại xã là có thật, cả xã có 150 hộ trong diện này, nhưng thực hiện lần một chỉ được 69 hộ. Khi được hỏi tại sao xã lại nhận được hỗ trợ từ chương trình này, xã có thuộc diện và các hộ dân có thuộc đối tượng được hưởng lợi của dự án không?
Ông Đáp thẳng thắn cho biết nếu đúng ra xã và người dân không nằm trong diện hưởng lợi của dự án, vì muốn có các công trình và tốt cho dân nên xã mới “xin” được dự án này (nhờ xã nằm dọc theo sông Sắt - NV).  Số tiền “tự nguyện” của dân, xã đã nộp vào kho bạc làm phần đối ứng để xây dựng nhà máy nước. Cũng theo vị Chủ tịch này, ở xã khác số hộ còn nhiều hơn rất nhiều... nếu xã có sai thì cả cấp trên cũng sai(!?).  

Ông Ngô Văn Ngân, Phó Chi cục PTNT tỉnh Nam Định, phụ trách mảng di dân cho biết, chỉ mang tiền về chi trả đến tay từng hộ dân, tiền “tự nguyện” ủng hộ xã thì ông hoàn toàn không biết, và đây là trách nhiệm thuộc UBND xã. ¦Còn khi được hỏi xã Tân Khánh có thuộc diện được thụ hưởng từ Quyết định 193 và Quyết định số 1776/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ông Ngân cho biết xã đó cũng là xã nghèo (!?) nếu nguồn của chương trình mà còn thì chúng tôi vẫn thực hiện tiếp ở xã Tân Khánh,..  

Thiết nghĩ để Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện đúng đến đối tượng được thụ hưởng đề nghị các cấp có thẩm quyền rà soát chặt chẽ từng đối tượng, từng địa phương,...tránh tình trạng sử dụng tiền ngân sách không đúng đối tượng thụ hưởng, gây lãng phí

Theo Đại đoàn kết
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo