Tiền lương và phẩm giá con người
Người châu Âu đặt chân đến Việt Nam vào giữa thế kỷ thứ XVIII. Xứ sở này có rất nhiều điều làm cho họ ngạc nhiên. Một trong những điều lạ lẫm nhất đối với họ là tiền lương của người Việt thấp. Một viên chức người Pháp thốt lên rằng anh ta không hiểu nổi vì sao lương tháng của quan Thượng thư Triều đình Huế không bằng lương một ngày của quan đầu tỉnh người Pháp. Với lương thấp họ lấy gì nuôi vợ, nuôi con, chưa nói đến khoản tiền phải dành dụm phòng khi trái gió trở trời. Thức lâu mới biết đêm dài
Điều này phản ảnh đúng thực tế cuộc sống. Ngoài lương còn có bổng, lộc và lậu. Bổng, lộc là thứ được coi là hợp pháp. "Lậu” là thứ lén lút trao cho nhau, không được pháp luật công nhận.
Có những viên chức nói rằng, lương tháng của họ không đủ xài bia. Ai cũng kêu lương thấp. Nhưng cuộc sống của họ thật ung dung. Vậy họ lấy đâu ra tiền? Hóa ra bổng, lộc và lậu mới là nguồn thu chính của họ. Khó mà biết hết được các loại và cách trao bổng, lộc, lậu cho nhau.
Lương thấp, không đủ sống khiến cho viên chức phải xoay xở bằng mọi cách mà không lời khuyên răn nào lọt tai, không hình phạt nào ngăn chặn nổi để kiếm thêm bổng, lộc và lậu. Đó là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự suy thoái về đạo đức về phẩm giá con người.
Một số nhà kinh tế học, xã hội học cho rằng phải trả cho viên chức, người lao động mức lương cao thì họ mới có năng suất cao (!). Tính thuyết phục của quan điểm này không cao bởi vì thu nhập tùy thuộc vào năng suất lao động. Phải có năng suất cao mới trả được lương cao, bởi vì tiền nào, của ấy. Câu chuyện tiền lương và năng suất, yếu tố nào là tiên quyết, giống như câu chuyện quả trứng và con gà, cái nào có trước, là câu chuyện tranh cãi không hồi kết thúc. Ở Việt Nam việc trả lương thấp, như một dạng luật bất thành văn, trở thành một nếp nghĩ hằn sâu trong tâm trí, gần như một thứ lệ làng, của những người làm chính sách. Đã có thời kỳ tiền nhuận bút trả cho tác giả không đủ để mua được quyển sách của họ viết ra, tiền phụ cấp nhà nước trả cho ca mổ của bác sĩ bằng tiền công một miếng vá của thợ sửa xe đạp. Hầu như mọi người Việt Nam đều cho rằng nếu muốn có lương cao hơn thì phải làm việc với tổ chức nước ngoài.
Tăng lương hay hoãn tăng lương là câu chuyện đang làm nóng diễn đàn Quốc hội đang diễn ra. Ý kiến cho rằng cần phải tăng lương vì lý do đời sồng người làm công ăn lương, những người thuộc giai cấp lãnh đạo, lực lượng chủ lực của cách mạng, quá thấp. Lộ trình, do Chính phủ đề ra là tăng lương vào năm 2013, nhưng đã hoãn đến năm 2014, nay lại hoãn đến năm 2015. Có lẽ đến năm 2016 mới thực hiện được? Nhưng lấy gì để đảm bảo để đến năm 2016 sẽ tăng lương? Có người so sánh rằng lương của viên chức, người lao động Việt Nam hiện thấp hơn Lào và Căm-pu-chia.
Tại sao vậy? Thật khó giải đáp cho câu hỏi này.
Ý kiến cho rằng chưa thể tăng lương vì nợ công đang mấp mé mức báo động. Việc tái cấu trúc nền kinh tế và nhiều dự án đầu tư trọng điểm đang khát vốn. Tăng lương trong tình thế như hiện nay sẽ gây ra nhiều rủi ro lớn hơn. Đành phải tạm hoãn lợi ích trước mắt để đạt được mục đích cơ bản và lâu dài về sau.
Nhân dân cả nước dõi theo một cách chăm chú các cuộc nghị bàn tại Quốc hội về vấn đề tăng hay chưa nên tăng lương. Dư luận cho rằng việc bàn luận của một số đại biểu dân cử tại diễn đàn Quốc hội mới đề cập đến các vấn đề thứ yếu. Có ba vấn đề mà cử tri mong các đại biểu Quốc hội cần phân tích mổ xẻ đến cội nguồn của nguyên nhân. Đó là:
1) Trả lương thấp có phải là di căn của hệ tư duy của nền kinh tế tự cung tự cấp còn rơi rớt lại khi đất nước đã chuyển sang nền kinh tế hàng hóa?
2) Có viên chức nhận 500 triệu đồng/tháng, nhưng lại có viên chức chỉ nhận được 3 triệu đồng/tháng? Để xẩy ra hiện tượng nghịch lý này là do lỗi của ai?
3) Có phải là do thiếu tiền hay do sử dụng phung phí nên thiếu tiền để tăng lương?
Dư luận rất tán thành ý kiến của những đại biểu Quốc hội cho rằng không phải do thiếu tiền mà do Quốc hội chưa làm tròn chức năng giám sát thu chi ngân sách nên đã để xẩy ra bội chi, tham nhũng, lãng phí lớn. Cử tri mong rằng Quốc hội sẻ thiết lập được kỷ cương nghiêm minh trong sử dụng tiền thuế của nhân dân thì sẽ ngăn ngừa được tình trạng bội chi tùy tiện, tham nhũng, lãng phí khủng khiếp đang xẩy ra.
Dư luận cũng rất tán thành ý kiến của những đại biểu Quốc hội cho rằng chừng nào tình trạng cồng kềnh, trùng lặp trong bộ máy nhà nước như hiện nay còn tồn tại thì không thể nói đến việc tăng lương. Đảng, Nhà nước đã có nhiều cuộc vận động tinh giản bộ máy. Nhưng cho đến nay chưa thấy tổ chức nào xin giảm biên chế. Ngay tại Kỳ họp này, ngành bảo hiểm xã hội đã đề xuất xin tăng thêm biên chế(!). Bộ máy cồng kềnh, quan liêu không những tiêu tốn nhiều tiền của ngân sách mà còn làm phát sinh nhiều tiêu cực khác.
Dư luận cử tri cho rằng cần phải nghiên cứu để xóa bỏ tính bình quân chủ nghĩa hoặc đặt ra các tiêu chí phi lý trong xác định tiền lương như có bằng cấp cao, giữ chức vụ cao thì được hưởng lương cao v.v….Không nhất thiết lương của chuyên gia kỹ thuật thấp hơn lương của Tổng thống. Không ai so bì với phi công lĩnh lương 100 triệu đồng/tháng với lương của Bộ trưởng vì tính rủi ro, nguy hiểm đến tính mạng của nghề bay. Nhưng dư luận không chấp nhận sự khác biệt phi lý khi lương Giám đốc Sở dịch vụ công là 500 triệu đồng/tháng hoặc hơn thế, so với lương 3 triệu đồng/ tháng của nhân viên của Sở ấy.
Dựng nước đi đôi với giử nước. Nhân dân không phàn nàn về việc Quốc hội đã dành một tỷ lệ đáng kể ngân sách của Nhà nước để nâng cao khả năng quốc phòng và sức chiến đấu của Quân đội nhân dân. Nhân dân cả nước sẳn sàng nhịn ăn, nhịn mặc để chia sẻ gánh nặng cùng Nhà nước trong sự nghiệp giữ nước. Nhưng dư luận cả nước không đồng ý đề xuất kêu gọi nhân dân cả nước tham gia đóng góp hoặc dùng ngân sách để mua nợ xấu, nhưng khi bàn đến vấn đề tăng lương thì cho là không đủ tiền.
Tiền lương không chỉ để hồi phục, tái sản xuất sức lao động, là Quỹ dự phòng của con người. Tiền lương còn là cách thể hiện và nâng cao phẩm giá con người.
Mong rằng giá trị và ý nghĩa của tiền lương sẽ được Quốc hội bàn bạc kỹ và làm rõ hơn trong dịp bàn đến chính sách tiền lương.
Theo Đại đoàn kết
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo