Pháp luật

Tiếng kêu cứu từ các doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp: Mang con bỏ chợ?

(DNVN) - Nhiều doanh nghiệp vào xây dựng nhà máy, phát triển sản xuất trong Cụm công nghiệp Tân Mỹ (xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) đang gặp rất nhiều khó khăn như: nước thải sinh hoạt không có đường thoát; đường chính trong cụm công nghiệp trơn ướt lầy lội, bụi bặm lại không có bảo vệ, khiến công nhân đi làm về đêm rất hoang mang lo lắng; giá các loại dịch vụ thiết yếu quá cao, điện cúp không báo trước… Khi đại diện doanh ngiệp liên hệ Ban quan lý cụm công nghiệp hoặc với chủ đầu tư là Công ty TNHH Tốt I thì không có ai trả lời. Hiện các doanh nghiệp đã đầu tư vào cụm công nghiệp này đang chơi vơi như những đứa con bị mang đi bỏ ngoài chợ!

Khó khăn khi vào đầu tư trong cụm công nghiệp

Theo phản ánh của chủ các doanh nghiệp đang đầu tư, sản xuất tại Cụm công nghiệp Tân Mỹ thuộc xã Tân Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương thì: Nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành xây dựng, đi vào hoạt động từ lâu. Nhà máy được bố trí dọc theo trục đường chính (đường N1) chạy dài từ đầu đến cuối cụm công nghiệp. Nhưng con đường này chỉ đẹp ở phía ngoài cổng. Đi vào trong thì trơn trượt, lầy lội bùn đất do xe ben chở đất rơi vãi trên đường mà không có người thu gom, quét dọn.

Đường N1, đường chính xuyên cụm công nghiệp đoạn thì lầy lội bùn đất, đoạn thì mịt mù bụi lại không có bảo vệ.

Đất rơi vãi gặp trời mưa nước đọng đã tạo thành những vũng lầy kéo dài hàng chục mét, lưu cữu từ ngày này qua ngày khác. Là trục đường chính nên có động công nhân ra vào làm việc và họ thường bị té ngã làm dấy bẩn hết quần áo. Nhiều người phải quay trở về nhà thay đồ, khiến trể giờ làm hoặc phải nghỉ việc ngoài ý muốn. Việc này kéo dài vừa ảnh hưởng thu nhập của người lao động vừa gây khó khăn trong kế hoạch sản xuất của nhiều công ty. Khi trời nắng ráo thì đường ra vào lại ngập tràn bụi bẩn, khiến mặt mũi, quần áo công nhân thêm lấm lem dơ bẩn, ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường…

Trong cụm công nghiệp Tân Mỹ hiện đã có 6 doanh nghiệp đi vào hoạt động, nên đèn đường mới được mở sáng thời gian gần đây. Nhưng khi đêm xuống, công nhân làm ca tối về thì dọc đường không có bảo vệ. Con đường thì dài tít tắp, hai bên hoang vắng khiến nhiều người hoang mang lo lắng, nhất là lao động nữ.

Dù chưa xãy ra cướp giật, hãm hiếp nhưng người lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp này cũng như chủ các doanh nghiệp đã đầu tư vào đây đều không an tâm. Mỗi khi trời mưa thì toàn bộ nước mưa trong khu vực trút hết xuống trục đường chính, do cao độ trục đường thấp hơn mặt bằng xung quanh. Trong khi đó hệ thống cống thoát nước đặt hai bên đường thi công chưa hoàn thiện, nên mặt đường ngập nước lênh láng, khiến giao thông đi lại bị tê liệt.

Trước những khó khăn, vướng mắc kéo dài nêu trên, đại diện người lao động, chủ doanh nghiệp đã có liên hệ, nhắc nhở Ban quản lý cụm công nghiệp nhiều lần nhưng không thấy tiếp thu, chuyển biến. Giám đốc nhân sự một doanh nghiệp tại đây than vãn. Do ít công ty hoạt động, dịch vụ và hạ tầng yếu kém khiến việc tuyển lao động đã khó. Bây giờ tình hình thế này mà chủ đầu tư không tiếp thu khắc phục chắc chắn tới đây công nhân sẽ bỏ đi vì lo sợ!

Văn phòng Ban quản lý Cụm Công nghiệp Tân Mỹ luôn đóng cửa và không thấy người vào làm việc.

Trong khi đó trên trang web của chủ đầu tư Cụm công nghiệp Tân Mỹ là Công ty TNHH Tốt I (http://www.kcntanmy.com) thì quảng cáo ngược lại: “Tân Mỹ luôn quan tâm đến đời sống của người lao động trong khu công nghiệp với phương châm “Nâng cao đời sống, Ổn định lâu dài”. Các tiện ích trong cụm công nghiệp: hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm. Mạng lưới đường giao thông được quy hoạch theo ô bàn cờ vuông góc với trục đường chính dẫn vào Cụm công nghiệp có bề rộng 29m (4 làn xe). Cụm công nghiệp có đầy đủ các dịch vụ:  Bưu điện, Ngân hàng, Phòng cháy chữa cháy, Trung tâm hỗ trợ và tư vấn lao động, Chợ - Siêu thị - Trung tâm Thương mại, Trường học, Khu nhà ở công nhân và chuyên gia, Nhà hàng và dịch vụ ăn uống…”

 

Tiếng than từ các doanh nghiệp

Thông tin phóng viên có được từ UBND huyện Bắc Tân Uyên thì đến thời điểm hiện tại Cụm công nghiệp có 12 doanh nghiệp đăng ký, nhưng chỉ có 6 doanh nghiệp triển khai hoạt động. Đại diện các doanh nghiệp đã hoạt động trong cụm công nghiệp lên thiếng than phiền: “Vấn đề nước thải công nghiệp thì khỏi phải nói, nhưng nước thải sinh hoạt từ trong doanh nghiệp thải ra không có hệ thống kết nối gây khó khăn trong sinh hoạt, ô nhiễm môi trường xung quanh. Điện trong cụm công nghiệp không ổn định lại thường bị cắt bất cứ lúc nào mà không thông báo trước theo quy định, đã gây ảnh hưởng lớn đến kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp.

 Chốt bảo vệ luôn đóng cửa vì không có người trực.

Trước việc bị cắt điện đột suất cả ngày doanh nghiệp có cử nhân viên lên Ban quản lý liên hệ thì không có ai ở đó để giải quyết. Văn phòng Ban quản lý lúc nào cũng cửa đóng then cài. Gọi điện thoại trực tiếp cho đại diện chủ đầu tư là ông H thì người này cũng không chịu mở máy. Giá dịch vụ trong cụm công nghiệp thì cao hơn giá quy định của nhà nước. Cụ thể giá nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất cụm công nghiệp cung cấp cho doanh nghiệp lên đến 12.190 đồng/m3. Trước đó chủ Ban quản lý cụm công nghiệp có chuyển hợp đồng đến cho chủ doanh nghiệp ký, nhưng thấy giá cao quá so với giá quy định các doanh nghiệp đã không ký hợp đồng. Dù vậy các doanh nghiệp đã vào hoạt động tại đây phải chịu trả tiền giá cao. Bởi vì không thanh toán sẽ bị cắt dịch vụ theo quy định”.

Tìm hiểu thông tin trên trang web của Cụm công này mọi người không khỏi giật mình trước thông tin quá mức thực tế như là: “ Hệ thống cấp nước: Lấy từ nhà máy cấp nước Uyên Hưng, đã đấu nối vào cổng của Cụm công nghiệp Tân Mỹ, với công suất 1 triệu m3/ngày đêm”. Đối chiếu số liệu thực tế mà Công ty cổ phần Nước – Môi trường Bình Dương Biwase, đơn vị chủ quản của Nhà máy cấp nước Uyên Hưng thì cho đến nay năng lực cấp nước của toàn công ty cho cả tỉnh Bình Dương với khoảng 30.000 khách hàng chỉ mới đạt trên 300.000/m3/ngày đêm.

Ông Phạm Đắc Thành, giám đốc Xí nghiệp cấp nước Uyên Hưng cho hay: Công suất hiện tại của nhà máy là 20.000m3/ngày đêm bao gồm Thị xã Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên. Riêng công suất nhà máy cung cấp cho huyện Bắc Tân Uyên là 6.000 m3/ngày đêm. Trong đó có cả khách hàng trong các khu, cụm công nghiệp của 2 huyện thị. Riêng khách hàng Cụm công nghiệp Tân Mỹ thì xí nghiệp bán qua đồng hồ tổng. Công ty phân phối lại cho khách hàng theo giá thỏa thuận…

 

Tham khảo bảng giá của Xí nghiệp cấp nước Uyên Hưng (Tân Uyên) thì giá bán lẻ từ xí nghiệp đến các doanh nghiệp sản xuất vật chất là 10.600 đồng/m3 đã có VAT. Giá bán sỉ tại đồng hồ tổng là 9.600 đồng/m3 đã có VAT.

Mong sớm được tháo gỡ

Đại diện người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp Tân Mỹ phản ánh: Ngành sản xuất, chế biến gỗ rất sợ hỏa hoạn, bởi vì từ nguyên liệu sản xuất đến thành phẩm đều là những chất dễ cháy, trong đó có nhiều dung môi, hóa chất…Vậy mà sát bên công ty có một doanh nghiệp thu mua phế liệu, cứ tối đến người ta mang phế liệu ra đốt sáng rực cả một góc trời, ngọn lửa bốc cao rất nguy hiểm.

Chúng tôi đã nhiều lần cử người kể cả trực tiếp đến Ban quản lý cụm công nghiệp để trình bày nhưng văn phòng Ban quản lý lúc nào cũng không có người, không ai giải quyết! Tình trạng này nếu để kéo dài sẽ rất nguy hiểm, trước tiên là sức khỏe của người lao đông, kế đến là sự an toàn của doanh nghiệp. Mấy ngày trước vào ban ngày bên đó cũng đốt phế liệu mà không biết chất gì, khói bay sang bên này khiến công nhân ói mửa, chóng mặt phải tạm ngừng sản xuất!

Người lao động tại đây còn cho biết thêm: Có một số đối tác đến khảo sát, tìm kiếm địa điểm đầu tư, chúng tôi liên hệ với Ban Quản lý, kể cả gọi điện trực tiếp đến điện thoại cá nhân của ông H, ông Đ là đại diện chủ đầu tư, nhưng các ông này cũng không nhấc máy?

 

Phóng viên đã đặt câu hỏi trực tiếp với lãnh đạo một số doanh nghiệp tại đây “Ở Bình Dương nói chung và các huyện thị thành phố khác trong tỉnh nói riêng đã có truyền thống mỗi năm 2 lần lãnh đạo địa phương cùng các ban ngành tổ chức đối thoại công khai, trực tiếp với các doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến phản ánh, kịp thời tháo gở khó khăn cho doanh nghiệp.

Vì sao những vấn đề khó khăn, bức xúc như vậy mà địa phương, cụ  thể là UBND xã nơi doanh nghiệp hoạt động, UBND huyện nơi quản lý cụm công nghiệp không hay biết? Thì nhận được  câu trả lời: Không liên hệ, phản ánh được với Ban quan lý thì làm sao liên hệ được với các cấp cao hơn vì chúng tôi là những doanh nghiệp luôn bận rộn với công việc sản xuất, kinh doanh.

Kiểm tra lại những thông tin mà doanh nghiệp, người lao động phản ánh thì rỏ ràng ngoài cổng Cụm công nghiệp Tân Mỹ có xây dựng chốt bảo vệ nhưng không có người trực. Chốt bảo vệ, văn phòng thì luôn trong tình trạng cửa đóng then cài. Bên ngoài tấm bảng đề tên các doanh nghiệp đang hoạt động cũng lấm lem, cũ nát.

Đi vào bên trong thì đường sá lầy lội bùn đất. Bên kia đường N1 là Văn phòng Ban quản lý cụm công nghiệp Tân Mỹ cửa vẫn khóa, bên trong không thấy người và xe. Đúng như lời của đại diện các doanh nghiệp “Chúng tôi như những đứa con bị mang ra bỏ ngoài chợ, gặp khó khăn không biết kêu ai”!

Lãnh đạo một sở có liên quan khi nghe phóng viên trình bày sự việc và xem qua hình ảnh đã lên tiếng: “Nếu đúng như vầy thì rất ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Bình Dương trong thu hút đầu tư”. Khi gặp khó khăn, vướng mắc tring hoạt động doanh nghiệp nên liên hệ trực tiếp với chính quyền địa phương (UBND xã phường, huyện, thị xã, thành phố) hoặc trực tiếp liên hệ với Ban quản lý các khu công ngiệp để được hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết.
Nên đọc
Vĩnh An – Kim Thanh
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo