Pháp luật

Tiếng pháo vui mừng thành nỗi đau vĩnh biệt ngày Tết

Khi nhận được lá thư của anh trai từ chiến trường gửi về, vì quá vui mừng, tôi đã đốt hết sạch những quả pháo để dành. Tết năm đó tôi không có pháo vì nhà tôi đã đón Tết sớm...

 

Có thể nhiều người đã quên tiếng pháo Tết vì nhiều năm nay không còn đốt pháo nhưng tôi thì cứ tết đến lại nhớ tiếng pháo, nhớ mùi khói pháo. Có thể, nhiều người có những kỷ niệm khó quên với pháo tết. Tôi cũng vậy, tôi muốn chia sẻ với các bạn về một kỷ niệm liên quan đến pháo tết mà mỗi năm, vào dịp này, lại sống lại trong tôi và hiển hiện trước mắt như mới ngày hôm qua...

Đó là những năm tháng chiến tranh, đau thương và mất mát. Đó là những ngày cận Tết cuối năm 1971.

Ngày đó, tôi còn bé lắm, mới đang học lớp 5 tại một vùng quê nghèo như bao vùng quê khác của miền Bắc Việt Nam.  Trong ký ức của tôi, thời đó, cả làng chỉ toàn là những ngôi nhà mái rạ, thấp lè tè, nép mình dưới bóng tre. Làng xóm vắng vẻ vì trai tráng từ độ tuổi 18 đến 45 lên đường vào Nam chiến đấu hết cả nên ở làng chỉ còn toàn ông già, bà cả, phụ nữ và bọn nhóc con chúng tôi.

Ngày ấy, dân số chưa đông như bây giờ. Làng đã ít người lại càng vắng vẻ hơn. Trong làng ít khi nghe thấy tiếng người, toàn là tiếng chim chóc và thỉnh thoảng thì thêm tiếng gà xao xác. Ban ngày đã vậy, ban đêm thì còn buồn hơn. Làng xóm chỉ một màu tối đen như mực. Có đến gần ngôi nhà nào đó thì phải vào đến sân mới thấy chút ánh sáng yếu ớt, le lói, vàng vọt hắt ra từ một ngọn đèn dầu ở trong nhà nhưng cũng chỉ đến sau 9h tối là cả làng hoàn toàn chìm trong đêm đen và nếu có tiếng động thì cũng chỉ là vài tiếng chó sủa trăng sao.

Nói chung là buồn. Xóm làng lúc nào cũng im ắng nhưng cũng một tháng đôi ba lần ồn ĩ, xôn xao. Đó là khi làng nhận được tin báo tử từ huyện đội. Cứ mỗi khi trong làng đang yên ắng chợt nghe tiếng thét gào, khóc gọi chồng, gọi cha, gọi anh, gọi em là biết ngay làng vừa nhận được tin báo tử và hôm sau cả làng sẽ tập trung tại nhà có người thân hy sinh ở chiến trường để làm lễ truy điệu.

Một trăm cái lễ truy điệu thì giống nhau cả một trăm và tất cả đều là hy sinh ở chiến trường miền Nam. Hầu như tháng nào làng tôi cũng có vài ba lễ truy điệu liệt sĩ. Còn giấy báo tử thì do người làm việc ở ủy ban xã đưa đến cho nên nhà nào tự dưng có người của ủy ban xã đến thì tám chín mươi phần trăm là đến đưa giấy báo tử của con, em ở chiến trường.

Hầu như nhà nào ở làng tôi cũng có người đang ở chiến trường nên lúc nào cả làng cũng như nín thở, rón rén chờ tin dữ, dù cả hai cuộc chiến tranh ném bom phá hoại miền bắc của Mỹ, làng tôi chỉ hứng có vài quả bom, vài quả tên lửa của Mỹ.

Có thể nói bề ngoài thì chiến tranh không chạm đến làng tôi nhưng thực ra nỗi đau mất mát quá lớn đã đến tận ngóc ngách từng gia đình, đến nỗi bọn nhóc con chúng tôi cũng già dặn hẳn lên, hầu như quên cả cười đùa. Trẻ con đã vậy thì người lớn càng khắc khổ hơn. Hầu như họ chẳng bao giờ cười. Gặp nhau thì toàn là hỏi thăm nhau có nhận được tin tức gì của con, em không và rồi lại khóc.

Nhà tôi có 5 anh em, 3 trai, hai gái. Ông anh cả thì vào chiến trường từ đầu năm 1965 và bặt luôn tin tức. Ông anh thứ ba tên Thao thì vừa 17 tuổi, trốn nhà đi thanh niên xung phong cuối năm 1965 sau khi viết đơn bằng máu xin đi bộ đội không được. Từ lúc trốn nhà đi chưa một lần về vì bom pháo, tắc đường. Đến năm 1968 thì chuyển sang bộ đội và hành quân vào luôn Tây nguyên, cũng chẳng kịp về nhà một lần. Ấy là lá thư hiếm hoi giữa  năm 1968 của anh ấy nói vậy.

Bà chị thứ hai lấy chồng ngay trong làng nhưng chồng cũng đi bộ đội. Ở nhà tôi chỉ còn ông bố thương binh chống Pháp, bà mẹ ốm quanh năm, tôi và cô em út. Mẹ tôi chưa đến 50 mà trông đã như người 60 tuổi. Mỗi khi trong làng có báo tử là mẹ tôi lại khóc và hầu như đêm nào mẹ tôi cũng khóc. Tuổi thơ của tôi đẫm nước mắt của mẹ.

Đầu năm 1971, mẹ tôi mất trong héo mòn, mong mỏi tin con. Có lẽ, mẹ đã quá sức chịu đựng. Mẹ tôi đã lập bàn thờ bố tôi vì bố tôi biệt tăm từ khi trốn nhà đi bộ đội chống Pháp năm 1947 cho đến ngày đột ngột trở về năm 1959 và 6 năm mòn mỏi tin tức 2 đứa con trai. Có lẽ, trái tim ốm yếu của mẹ không còn chịu đựng được nữa nên phải ngừng đập...

Sau khi mẹ tôi mất, bố tôi chỉ còn như cái bóng. Làng xóm đôi khi lại rộ lên tin đồn các anh tôi đã hy sinh và điều đó có vẻ thật hơn vì từ lâu nhà tôi chẳng nhận được một lá thư nào từ chiến trường...

Một hôm, chiều đã muộn, làng xóm đã lên đèn mà tôi vẫn chưa thấy bố về nhà. Mấy hôm trước, thấy bố khác lắm nên tôi lo lắng nói với các chị. Cả nhà đi tìm bố khắp làng trên xóm dưới vẫn không thấy. Đến gần 9h tối thì có người làng bảo là có gặp ông đang đi ở đường 10 cách nhà khoảng hơn 30 cây số và đang đi về hướng sang Thái Bình.

Ông chỉ mặc một cái quần dài, ở trần, thập thễnh  chen lẫn giữa các đoàn xe kéo pháo hành quân vào Nam, hai tay ghì chặt trước ngực hai khung ảnh của các anh tôi.... Đằng sau ông là lũ trẻ con chạy theo trêu chọc nhưng ông cũng chẳng nói gì mà ai hỏi cũng chỉ nói là vào miền Nam tìm hai con trai.

 Tôi cũng không nhớ họ hàng đã cử con cháu những ai, mượn xe đạp của ai để đi tìm ông theo hướng người làng đã chỉ nhưng chỉ biết đưa được ông về nhà thì cũng đã sáng. Sau đó, ông ốm mất gần một tháng... và lại càng lầm lũi, không nói, không rằng...

Tôi vẫn còn nhớ những  ngày giáp Tết, cuối năm 1971. Mặc dù, không khí chiến tranh ảm đạm vẫn còn nhưng làng xóm cũng đã có chút hơi hướng ngày Tết. Đâu đây, thỉnh thoảng lại có tiếng pháo tép đì đẹt nổ phát một của bọn trẻ con, tiếng người lớn giục nhau cấy hái để còn kịp dọn nhà, chuẩn bị tết. Tôi vẫn là đứa trẻ nên tết đến việc đầu tiên là phải có pháo.

Tôi cũng  không nhớ bằng cách nào mà rồi cũng có hơn chục viên pháo tép, nhét đầy hai vỏ bao diêm để dành cho đêm 30 và sáng mùng Một Tết. Tôi mong ngóng từng ngày để đến lúc được đốt pháo, được nghe tiếng pháo, được hít cái làn khói pháo cay cay, thơm thơm khó tả ấy...

Hình như là chiều 27 Tết hoặc 28 Tết . Lúc đó cũng đã muộn lắm rồi. Ngoài đồng sương đã giăng mờ mờ. Trong làng đã có tiếng gà xao xác lên chuồng, tiếng người lớn gọi con về ăn cơm. Trời cũng nhá nhem tối. Tôi cũng chẳng nhớ 3 bố con tôi hôm đó có nấu cơm không, có ăn cơm không nhưng tôi nhớ lúc đó bố tôi đang ngồi ngoài sân vót nan tre, dáng ông vẫn lầm lũi như mọi ngày...

Chợt ông ngẩng nhìn lên và chết sững. Ông nhìn trân trân ra ngõ và bất động. Con dao trên tay ông rơi xuống và cứa thẳng vào bàn chân. Máu ứa ra nhưng ông không hề hay biết. Từ ngoài ngõ, thấp thoáng bóng chị Mánh – Hội phụ nữ xã đang đi vào. Tim tôi bỗng thắt lại và tôi nghĩ đến cái giấy báo tử của các anh tôi.

Thời gian như đông đặc lại và hai bố con tôi chết lặng cho đến khi chị Mánh reo lên: "Ông Chỉnh ơi, có thư chú Thao nhé". Tôi hét lên, nhảy bổ ra và bố tôi thì lập cập đứng dậy, nói không thành tiếng và thập thễnh bước vội ra. Những giọt máu từ bàn chân ông nhểu từng giọt sẫm lại trên mặt sân.

Bố tôi run run đón chiếc phong bì bằng giấy vàng xỉn, loang lổ nhưng ông run quá không thể nào bóc được. Chị Mánh phải bóc ra và đọc hộ. Khi chị vừa đọc: "Tây Nguyên ngày... Bố, mẹ và các em thương... ", thì tôi chạy vào nhà, cuống quít lục túi xách lấy ra hai cái hộp diêm lèn đầy pháo tép.

Tôi vừa hét như điên vừa đốt những quả pháo tép để dành cho ngày Tết. Chả biết do khói pháo hay gì nữa mà mắt bố tôi và cả mấy người hàng xóm vừa chạy sang dàn giụa nước mắt. Tôi đã đốt hết sạch những quả pháo để dành và Tết năm đó tôi không có pháo vì nhà tôi đã đón Tết sớm.

Có lẽ dù không có pháo nhưng tết năm đó nhà tôi rất vui, bố tôi đã tươi tỉnh và không còn lầm lũi nữa mặc dù lúc đó là cuối năm 1971 và lá thư anh tôi gửi đề ngày... tháng 9 năm 1968.

Trong đời tôi đã có nhiều lần đốt pháo nhưng không bao giờ tôi quên được lần đốt pháo này, lần đốt pháo đón Tết sớm vào ngày 27 và chỉ có hơn chục quả pháo tép.

Sau Tết vài tháng, gia đình tôi nhận được giấy báo tử của anh tôi, anh Thao. Trên giấy báo tử ghi anh tôi hy sinh ngày 23/5/1969 tại mặt trận phía Nam.

Đến bây giờ tôi vẫn còn giữ lại được lá thư của anh tôi. Lá thư phải mất hơn 3 năm mới về tới nhà và sau khi anh tôi đã hy sinh được 3 năm và tôi đã đón nó bằng những quả pháo tép để dành cho ngày Tết. Đến bây giờ, mỗi khi đến ngày 27, 28 tết tôi lại rưng rưng nhớ lần đốt pháo ấy...

Theo VnExpress
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo